Khi kinh tế gặp khó khăn là lúc nạn cho vay nặng lãi có điều kiện hoành hành. Ở nước ta, đến nay chưa có con số thống kê cụ thể về các vụ phạm tội cũng như mạng lưới cho vay cá nhân ngoài hệ thống các tổ chức tín dụng chính thức.
Nhưng thời gian gần đây, các vụ lừa đảo, chủ nợ bỏ trốn, việc hành xử theo kiểu "xã hội đen" liên quan tiền bạc bị vỡ lở, xuất hiện ngày càng nhiều.
Mới đây, một vụ vỡ nợ ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh liên quan hàng trăm người, chủ yếu là nhân dân lao động vì ham lãi suất cao đã cho một cá nhân vay để rồi cầm tiền cao chạy xa bay. Vụ rượt đuổi bằng ô-tô và dùng súng để đòi nợ ở đường Láng - Hòa Lạc (Hà Nội) khiến dư luận không khỏi lo lắng về an ninh xã hội. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hàng trăm trang web và địa chỉ cá nhân chào mời cho vay trên mạng liên tục xuất hiện. Ðiều đáng nói, đến nay những trang web này gần như chưa có cơ quan nào quản lý, giám sát.
Ðể chống nạn cho vay nặng lãi, cần phải có một chiến dịch truyền thông sâu rộng, thông tin đến người dân các quy định của pháp luật liên quan hoạt động cho vay, phổ biến rộng rãi các địa chỉ cho vay chính quy để người dân tiếp cận. Tăng cường vai trò chủ đạo của các ngân hàng thương mại nhà nước, tổ chức hệ thống cho vay tới các đối tượng dễ bị xâm hại của nạn cho vay nặng lãi như khu vực nông nghiệp, nông thôn, học sinh, sinh viên, tiểu thương. Xây dựng các chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp cận các vùng cho vay nặng lãi hoành hành. Ðiều tra, triệt phá các trang web đăng tải nội dung liên quan các hình thức cho vay cá nhân, quản lý thông tin quảng cáo các địa chỉ cho vay không phải của các tổ chức tín dụng. Từng bước xây dựng các khung pháp lý phù hợp, thuận tiện cho việc phòng, chống nạn cho vay nặng lãi, đồng thời khơi thông nguồn vốn, tăng tiềm lực cho ngành ngân hàng, góp phần hạn chế tiêu cực của nạn cho vay nặng lãi.
Theo NhanDan Online