Để bảo vệ người tiêu dùng tốt nhất phải có sự chung tay của cả cộng đồng. Người tiêu dùng cần có ý thức hơn khi sử dụng dịch vụ và mua hàng hoá. Luật bảo vệ người tiêu dùng ra đời trong năm nay sẽ là hành lang pháp lý để xử lý các vi phạm và bảo vệ người tiêu dùng tốt nhất
2010 là năm Quốc tế Người tiêu dùng tròn 50 tuổi. Trong 50 năm ấy, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã nỗ lực tạo dựng một thị trường hàng hoá chất lượng đảm bảo, nhiều hình thức dịch vụ tài chính, hàng hoá đa dạng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Tuy nhiên, trong 50 năm ấy, cũng không ít doanh nghiệp đã xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng bằng việc cung cấp các dịch vụ không hoàn hảo, hàng hoá giả, kém chất lượng và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khiến người tiêu dùng phải chịu nhiều thiệt hại về kinh tế và sức khoẻ. Nhất là trong thời kỳ suy thoái kinh tế từ cuối năm 2008 đến nay.
Năm nay, Quốc tế Người tiêu dùng đưa ra chủ đề “Tiền của chúng ta, quyền của chúng ta”. Cũng đồng nghĩa với việc, bên cạnh sự điều hành quyết liệt của Chính phủ để dần đưa nước ta vượt ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế, thì một trong những việc cần làm là người tiêu dùng tham gia chấn chỉnh, cải tiến công tác tài chính, trong đó có các dịch vụ tài chính.
Người tiêu dùng có thể tham gia các dịch vụ tài chính như ngân hàng, tín dụng, giao dịch không dùng tiền mặt, mở tài khoản, chuyển tiền, thanh toán bằng thẻ tín dụng, bảo hiểm… Đồng thời, trang bị nhiều kiến thức khi mua hàng hoá, như biết cách phân biệt hàng thật - hàng giả, hàng đảm bảo chất lượng… để giá trị hàng hoá mua về phù hợp với đồng tiền bỏ ra.
Chị Vũ Thu Uyên - ở phố Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng cho biết: “Giá cả hợp lý, mặt hàng nào tốt thì chúng tôi mua. Chất lượng hang hóa phải được đặt lên hàng đầu. Bán hàng phải có uy tín mới tạo dựng được lòng tin với khách hàng”.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là dịch vụ tài chính đối với người tiêu dùng ở Việt Nam còn khá mới mẻ. Người tiêu dùng chưa tiếp xúc nhiều với các dịch vụ tài chính nên gặp rất nhiều vấn đề rắc rối. Gần đây, dư luận quan tâm đến việc sử dụng thẻ ATM, nhất là trong dịp lễ, tết, các ngày nghỉ. Với chủ trương trả lương qua thẻ ATM, đến nay cả nước đã có khoảng 16 triệu thẻ. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn gặp nhiều sự cố trong khi sử dụng thẻ như: mất tiền trong tài khoản, bị đánh cắp số PIN dẫn tới mất tiền, đưa thẻ vào máy không lấy ra được, không rút được tiền lúc cần thiết, máy ATM bị quá tải, người giao dịch phải trả phí ngân hàng… Những bất cập này có thể giải thích do ngân hàng chưa triển khai dịch vụ thật chu đáo, còn người tiêu dùng thì thiếu hiểu biết.
Mặc dù, các cơ quan chức năng, các tổ chức Hội Bảo vệ người tiêu dùng đã tăng cường phổ biến, trang bị kiến thức cho người tiêu dùng những kiến thức cần thiết khi sử dụng các dịch vụ tài chính một cách có lợi và an toàn, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Từ thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần chung tay làm tốt nhiệm vụ.
Ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công thương cho rằng: “Để bảo vệ người tiêu dùng tốt nhất phải có sự chung tay của cả cộng đồng. Người tiêu dùng cần có ý thức hơn khi sử dụng dịch vụ và mua hàng hoá. Luật bảo vệ người tiêu dùng ra đời trong năm nay sẽ là hành lang pháp lý để xử lý các vi phạm và bảo vệ người tiêu dùng tốt nhất”.
Theo ông Nguyễn Hồng Bảo - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, năm 2009, dưới sự chỉ đạo của Ban 127, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử lý hơn 23.000 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ; truy thu thuế hơn 350 tỷ đồng, tiêu huỷ hàng hoá vi phạm trị giá hơn 8,9 tỷ đồng. Như vậy cho thấy, ngay trên địa bàn Hà Nội, người tiêu dùng đang bị xâm hại về quyền rất lớn.
Với khẩu hiệu “Tiền của chúng ta, quyền của chúng ta”, người tiêu dùng cần sử dụng đồng tiền của mình một cách hiệu quả nhất để mua các loại hàng hoá, dịch vụ vì họ có quyền lực rất lớn đối với các nhà sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, họ thường là người yếu thế, đôi khi còn thiếu tự tin để đứng lên bảo vệ chính mình. Do đó, người tiêu dùng cần đoàn kết lại để bảo vệ quyền lợi của mình, có quyền đòi hỏi chất lượng hàng hoá, dịch vụ phải tương xứng với đồng tiền mình bỏ ra, thái độ của người phân phối kinh doanh cần ân cần, trọng thị, đúng mực, hàng hoá phải bảo hành, dịch vụ chu đáo.
Chị Lê Kim Phương - ở Tập thể Bách Khoa Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Quyền của người tiêu dùng là được lựa chọn hàng tốt, giá cả hợp lý, thái độ phục vụ ân cần chu đáo, niềm nở với khách. Dịch vụ phải tốt, nếu khách hàng không hiểu thì phải giải thích. Nơi nào hàng tốt thì chúng tôi mua còn nơi nào phục vụ không tốt thì chúng tôi không mua”.
Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng cần dùng những đồng tiền giá trị của mình để mua những hàng hoá Việt Nam có chất lượng bảo đảm, góp phần phát triển nền kinh tế đất nước. Người tiêu dùng cần chủ động tẩy chay những hàng hoá giả, hàng kém chất lượng và không đảm bảo an toàn chất lượng, mua ở những cửa hàng có uy tín và chi tiêu hợp lý sẽ góp phần làm lành mạnh thị trường kinh doanh./.
Theo vovnews.vn