Không còn nhiều yếu tố thuận lợi nên năm nay lợi nhuận của các DN sẽ khó có đột biến như năm 2009. Tuy nhiên, nếu nắm bắt đươc cơ hội, DN vẫn có khả năng gia tăng được lợi nhuận.
Yếu tố thuận lợi không còn
Theo thống kê trong số 60 DN hàng đầu tại HOSE, doanh thu năm 2009 chỉ tăng 18% so với cùng kỳ năm 2008, nhưng lợi nhuận lại tăng 61%. Có nhiều nguyên nhân tạo ra lợi nhuận đột biến của các DN trong năm 2009. Gói kích cầu của Chính phủ khiến chi phí tài chính thấp, giá nguyên liệu đầu vào giảm do suy thoái kinh tế và các khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính. Được hưởng lợi nhiều nhất phải kể đến các DN ngành bất động sản, tài nguyên cơ bản, bán lẻ, xây dựng và vật liệu xây dựng.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản, dệt may trong giai đoạn phục hồi cùng với việc giảm bớt rào cản nhập khẩu là yếu tố thúc đẩy doanh thu xuất khẩu của các DN trong lĩnh vực này trong năm qua.
Theo ông Phạm Thành Thái Lĩnh, chuyên gia phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC), việc chương trình cho vay lãi suất hỗ trợ ngắn hạn chấm dứt vào thời điểm cuối năm 2009 sẽ có tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trong năm 2010. Khi đó chi phí tài chính sẽ tăng cao và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các DN, nhất là các DN có sử dụng tỷ lệ nợ vay lớn trong các ngành công nghiệp và vật liệu cơ bản.
Chính vì vậy, theo dự báo của BVSC, lợi nhuận của các DN trong năm 2010 chỉ tăng khoảng 15% so với năm 2009, trong khi doanh thu lại tăng khoảng 22%. Dự báo trừ ngành dịch vụ công cộng sẽ giảm 2% doanh thu, các ngành còn lại tiếp tục duy trì được mức doanh thu cao: vật liệu cơ bản tăng 53%, bất động sản tăng 37%, dịch vụ tài chính tăng 36%, xây dựng và vật liệu tăng 28%, ngân hàng tăng 21%.
Trong khi đó, lợi nhuận của các DN chỉ tăng mạnh ở một số ngành như dịch vụ tài chính tăng 52%, bất động sản tăng 46%, dầu khí tăng 36%. Các ngành còn lại chỉ tăng nhẹ: ngân hàng tăng 16%, bảo hiểm tăng 9%, dịch vụ công cộng tăng 5%, xây dựng và vật liệu tăng 5%. Đặc biệt, có ít nhất 3 ngành sẽ giảm lợi nhuận trong năm nay là dịch vụ công nghiệp giảm 20%, thực phẩm và đồ uống giảm 11%, y tế giảm 2%.
Khó khăn và cơ hội
Ngoài khó khăn về chi phí đầu vào tăng cao, các DN còn phải đối mặt với những vấn đề của thời kỳ hậu kích cầu. Dòng vốn đến với DN sẽ không còn dễ dàng như năm 2009 do chính sách thắt chặt tiền tệ. Khi tiếp cận được với nguồn vốn, DN lại gặp phải rào cản về lãi suất.
Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, với mức lãi suất thỏa thuận lên đến 18%/năm như hiện nay, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN phải đạt trên 25%. Đây là bài toán khá hóc búa đối với nhiều DN. Ngoài khó khăn chính này, các DN còn phải đối mặt với yếu tố làm giảm lợi nhuận so với năm 2009. Theo bộ phận phân tích của CTCK BIDV (BSC), ngoại trừ các DN còn được miễn giảm thuế theo đặc thù của lĩnh vực kinh doanh, hầu hết các DN không còn được hưởng mức giảm trừ 30% của mức thuế suất 25% thuế thu nhập DN trong năm 2010.
Vì vậy, lợi nhuận trước thuế của DN sẽ bị khấu trừ thêm khoảng 7% so với mức 18% của năm 2009. Đây cũng là nhân tố tác động không nhỏ đến lợi nhuận sau thuế của các DN trong năm 2010 so với năm 2009.
Khó khăn là vậy, nhưng đối với không ít DN, cơ hội vẫn còn rất lớn nếu biết nắm bắt. Ông Phạm Đức Tấn, Chủ tịch HĐQT-Tổng giám đốc CTCP Phát triển hạ tầng và BĐS Thái Bình Dương (PPI), phân tích: "Tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2010 sẽ không còn nhiều thuận lợi như năm 2009.
Do đó, để duy trì và gia tăng mức lợi nhuận cao như năm vừa qua, PPI sẽ tiếp tục triển khai các dự án đang thực hiện có khả năng sinh lời cao và khả năng thu hồi vốn nhanh. Ngoài ra, PPI còn chủ động mở rộng và đa dạng hóa các hình thức đầu tư khác nhau, từ ngành nghề truyền thống là xây dựng cầu đường cho đến các dự án đô thị cao ốc"./.
Theo báo SGGP Online