Cập nhật: 25/03/2010 13:38:31 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích kinh tế, trong vòng 5 năm tới nền kinh tế toàn cầu sẽ có nhiều sự thay đổi mới. Các nhà phân tích dự báo 5 xu thế mới cho nền kinh tế toàn cầu trong tương lai không xa.

Thứ nhất, toàn cầu hóa kinh tế sẽ ngày càng đi vào chiều sâu. Theo nhận định của các chuyên gia, tính kết cấu của kinh tế toàn cầu sẽ đi vào chiều sâu hơn. Kinh tế của các quốc gia mới nổi sẽ đóng vai trò chủ đạo thúc đẩy kinh tế thế giới phục hồi. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa đồng ngoại tệ mạnh khiến đồng USD có xu hướng giảm dần thế mạnh của mình. Kinh tế của các khu vực như EU, Bắc Mỹ, Đông Á sẽ là ba trụ cột chính và sẽ dần dần được hình thành thay thế các chủ thế kinh tế lớn hiện nay. Cũng theo các nhận định này thì nguồn lực kinh tế như "kinh tế sạch", "kinh tế than đá”, "kinh tế mạng in-tơ-net" và "kinh tế môi trường" sẽ trở thành các ngành mũi nhọn trong tương lai.

 

Thứ hai, cạnh tranh sẽ ngày càng mở rộng, trong đó, sự cạnh tranh nguồn tài nguyên truyền thống sẽ ngày càng quyết liệt hơn bao giờ hết. Dầu thô và khí đốt sẽ là hai mặt hàng có nhiều va chạm thương mại. Bên cạnh đó do áp lực dân số tăng, biến đổi khí hậu... cuộc chiến lương thực sẽ diễn ra mạnh mẽ và trở thành nguy cơ của thế giới. Các lĩnh vực khác như cạnh tranh trên không, trên biển và mạng in-tơ-net cũng diễn ra gay gắt. Ngoài ra, các cuộc cạnh tranh chạy đua vũ trang và quân sự hóa cũng sẽ là một trong các xu thế mới trong tương lai.

 

Thứ ba, thế giới đa cực sẽ có nhiều thay đổi. Xu thế đơn cực sẽ bị đẩy lùi thay vào đó sẽ là xu thế đa cực do sự lớn mạnh không ngừng của nhiều quốc gia mới nổi với tiềm lực quân sự và kinh tế lớn mạnh. Do chịu tác động của khủng hoảng và cuộc chiến chống khủng bố, con số thâm hụt ngân sách của các quốc gia sẽ tăng mạnh và chịu tác động nhiều nhất là các nước trong nhóm BRIC (Bra-xin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc). Đồng thời, sự hợp tác kinh tế giữa phương Tây và các nước BRIC cũng sẽ tăng lên nhanh chóng và sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế toàn cầu.

 

Thứ tư, trật tự thế giới có sự phân hóa toàn diện. Theo đó, cơ cấu quyền ực thế giới sẽ bị phân tán và sẽ từ các nước phương tây sang nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi. Đồng thời, tiềm lực kinh tế của phương Tây cũng giảm đi đáng kể. Ngoài ra, tầm ảnh hưởng của các tổ chức kinh tế phi chính phủ sẽ được mở rộng, vai trò điều hành kinh tế nhà nước và tập thể sẽ bị giảm sút rõ rệt. Sự trỗi dậy của các nước có kinh tế đang phát triển là một thế lực mới của kinh tế toàn cầu. Sự điều hành kinh tế đa phương trở nên linh hoạt hơn bao giờ hết. Đồng thời, do tác động của các nhân tố như biến đổi khí hậu, tình hình chính trị mất ổn định, nguồn năng lượng, y tế, quân sự, sự va chạm giữa các nước phát triển và đang phát triển sẽ khiến trật tự thế giới ngày càng trở lên phức tạp.

 

Cuối cùng, môi trường an ninh toàn cầu sẽ bị tác động. Các báo cáo mới đây cho thấy, hầu hết các nước lớn như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ đều có kế hoạch thay đổi hàng loạt các trang thiết bị mới cho quân đội, điều này khiến chi phí quân sự toàn cầu tăng vọt. Bên cạnh đó, do nhu cầu về năng lượng phục vụ cho sản xuất công nghiệp, có khả năng xảy ra chiến tranh cục bộ. Điều này khiến an ninh thế giới sẽ bị đe dọa và sẽ tác động không nhỏ tới môi trường an ninh kinh tế toàn cầu.

 

 

 

 Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm