Cập nhật: 26/03/2010 14:58:12 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, các doanh nghiệp trong nước đã có những điều chỉnh chiến lược trong chính sách với thị trường nội địa. Thị trường nội địa giờ đây được coi là trọng tâm và then chốt trong sự phát triển và tồn tại của mỗi doanh nghiệp Việt Nam.

Bí thư Trung ương Đảng Ngô Văn Dụ cho rằng: Cuộc vận động không phải chủ trương bài trừ hàng ngoại mà là phong trào của nhân dân, càng không phải mệnh lệnh hành chính của cơ quan nhà nước. Cùng quan điểm này, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một cuộc dân vận và doanh vận lớn, có ý nghĩa về kinh tế lớn và quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Tin tưởng và hy vọng rằng cuộc vận động sẽ khơi dậy được động lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà đồng thời tạo ra những nỗ lực vươn ra thị trường thế giới, đẩy mạnh xuất khẩu. Cũng theo TS Lộc, việc phát triển thị trường nội địa, sản xuất hàng Việt phục vụ người Việt đang là “mệnh lệnh của trái tim” và cũng là “cơ hội vàng” cho các doanh nghiệp Việt trong thời gian tới. Thị trường nội địa với trên 86 triệu dân hiện nay và 100 triệu dân trong tương lai chắc chắn sẽ là điểm tựa vững chắc cho các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Trong khi đó, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu thì phân tích, cần thiết phải đưa vai trò của doanh nghiệp lên trước trong cuộc vận động này và điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đi đầu trong cuộc vận động này. Theo đó, để lấy được niềm tin của người tiêu dùng, trước hết doanh nghiệp sản xuất phải làm hàng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã phải đa dạng, được ưa chuộng, có giá phải chăng…

 

Doanh nghiệp tận dụng thời cơ từ cuộc vận động

 

Coi trọng quyền lợi người tiêu dùng: Trước mắt, cuộc vận động hướng tới việc góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế trong nước, nhưng về lâu dài, nó hướng tới việc nâng cao chất lượng và cạnh tranh của hàng Việt. Bởi thế, cùng với cuộc vận động, phải coi trọng quyền lợi của người tiêu dùng. Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hạ giá thành...

 

 

Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng: cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là cơ hội, thời cơ để các doanh nghiệp khởi động thị trường, tạo ra sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng.

 

Thực tế cũng chứng minh có nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp khi triển khai cuộc vận động. Đơn cử, công ty cổ phần may mặc Việt Tiến đã có sản phẩm phục vụ cho các đối tượng thu nhập trung bình và thấp – lực lượng tiêu dùng lớn nhất của thị trường đồng thời triển khai chiến dịch đưa hàng về vùng sâu vùng xa, sử dụng nguyên vật liệu sản xuất trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa.

 

Cùng lúc, hệ thống phân phối Coopmart đang tích cực mở rộng mạng lưới (hiện hệ thống siêu thị của Coop mart mới đến các thị xã chứ chưa đến vùng sâu, vùng xa nhưng hệ thống phân phối này cũng cam đoan sẽ tổ chức các chuyến bán hàng lưu động đến với bà con).

 

Trong khi đó, các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh trong chiến lược chinh phục người tiêu dùng năm 2010 thì đã tính đến bước sản xuất chiều sâu và mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng, trong đó địa bàn nông thôn đã bắt đầu được chú trọng. Phải kể đến công ty Phú An Sinh, một trong những doanh nghiệp tham gia chương trình đưa hàng về vùng sâu vùng xa trong năm 2009. Bước sang 2010, công ty này quyết định đi vào sản xuất chuyên sâu những sản phẩm dành riêng cho người có thu nhập thấp chứ không dừng lại ở những chuyến bán hàng khuyến mãi, giảm giá cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Hiện công ty đã sản xuất 35 sản phẩm chế biến và đồ đóng hộp với mức giá từ 8.000đ đến 10.000đ/ 1 sản phẩm cho chiến lược của mình và đang tập trung kế hoạch mở rộng kênh phân phối để sản phẩm đến tận tay người có thu nhập thấp. Còn Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp TP thì tiếp tục khảo sát thị trường và kết nối với doanh nghiệp để phát triển kênh phân phối tại địa phương, tiếp tục thực hiện chính sách của Nhà nước đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để mở rộng hơn các điểm bán hàng mới. Đồng thời những điểm đã tổ chức đưa hàng về rồi thì bắt đầu làm giai đoạn khảo sát, kết nối và hỗ trợ mở rộng mạng lưới ở địa bàn sâu”. Không chỉ thế, TP cũng kêu gọi kêu gọi tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hưởng ứng chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.

 

Giải pháp nào để các doanh nghiệp phát huy hết ưu thế?

 

Thị trường nông thôn – “kho tiêu thụ” đầy tiềm năng của hàng Việt: Thực tế không phủ nhận tại Việt Nam có thực trạng là: sản phẩm tốt thì dùng cho hàng xuất khẩu, còn hàng khuyết tật thì dùng trong nước. Cộng với việc thiếu chú trọng tới thị trường nông thôn, thậm chí, khu vực này còn được xem là “rổ” chứa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Vì thế, hàng Việt Nam bị “mất điểm” khá nhiều đối với người tiêu dùng trong nước. Hơn lúc nào hết, với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đang được triển khai rộng khắp như hiện nay, đã đến lúc các doanh nghiệp nhìn nhận và đánh giá đúng hơn về tiềm năng của khu vực này đối với sự phát triển của doanh nghiệp mình.

 

Nhiều ý kiến cho rằng để các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp phân phối bán lẻ phát triển, rất cần các cơ quan dành “đất” trước hết cho doanh nghiệp Việt. Muốn có trung tâm thương mại hiện đại, đầu tư cần vốn lớn và nhiều vấn đề liên quan, do vậy, cần chính sách khấu hao phù hợp. Chẳng hạn, quy định hiện hành khấu hao 20 năm thì cho ngắn lại là 10 năm. Hay như doanh nghiệp nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà 2 năm liền lỗ thì sẽ “có vấn đề” ngay, trong khi doanh nghiệp nước ngoài vào có chiến lược sẵn sàng lỗ vài năm để từ đó chiếm lĩnh thị trường. Vì thế, cũng cần có sự điều chỉnh chính sách liên quan đến thu nhập doanh nghiệp, về tình trạng phá sản để các doanh nghiệp trong nước thuận lợi trong điều tiết sản xuất – kinh doanh, không bị thua thiệt khi cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

 

Đồng thời cũng cần phải nghiên cứu, triển khai hệ thống hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết WTO, hướng đến sự ngăn chặn đúng pháp luật trong nước cũng như quốc tế việc hàng hóa nước ngoài xâm nhập quá mức vào nước ta.

 

Bên cạnh đó, cũng cần hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động phân phối bán lẻ và thực thi hiệu quả. Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, trong việc xây dựng thương hiệu Việt, đào tạo nguồn nhân lực, các hoạt động nghiên cứu phát triển...

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

 

Tệp đính kèm