Cập nhật: 18/04/2010 21:15:27 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chính phủ vừa nâng mức vay tín chấp cho nông dân lên gấp 5 lần. Điểm mới của chính sách này không những tạo thêm vốn cho nhà nông mà còn hạn chế những thủ tục không đáng có.

Sản xuất lúa hàng hóa như ở ĐBSCL, mỗi công đất (10 công = 1 ha) chi phí đầu vào đã mất trên dưới 2 triệu đồng/vụ. Với hạn mức tín chấp cũ tối đa chỉ được vay 10 triệu đồng, nếu nhà nông có 5 công ruộng, hạn mức tín chấp kể như đã hết sạch vào chi phí, muốn vay thêm lại phải cầm cố ruộng đất nhà cửa. Nhưng không phải thế chấp gia sản đã xong, ngân hàng còn đưa ra nhiều điều kiện làm mất thời gian của nhà nông đi tới đi lui.

 

Giảm chi phí

 

Một số nông dân nuôi thủy sản tại An Giang cho biết, thức ăn thủy sản đầu năm giá khoảng 7.900 - 8.000 đồng/kg, hiện giá đã lên đến 9.200 đồng/kg. Theo tiêu chuẩn nuôi cá, để ra một kg cá, phải mất 1,98 kg thức ăn. Được nâng hạn mức vay tín chấp lên sẽ giúp người nuôi cá giảm bớt chi phí đầu vào khi giá cá tra và ba sa đang xuống thấp (16.500 đồng/kg). 

Theo các chuyên gia, chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp liên tục tăng lên, lãi suất ngân hàng quá sức với nhà nông, hiện nay mức vay tín chấp 10 triệu đồng chỉ mang ý nghĩa xóa đói giảm nghèo, không tạo ra lực đẩy cho sản xuất và có vốn tái sản xuất trong nông nghiệp nông thôn, trong khi sản xuất nông sản hàng hóa nhu cầu vốn luôn luôn lớn. Hạn mức tín chấp tăng lên, nhà nông ngoài làm lúa, trồng cây công nghiệp… có thể dùng vốn kinh doanh các ngành nghề khác khi thị trường đòi hỏi.

 

Quy định mới có thể giúp nhà nông có điều kiện phát triển và mở rộng sản xuất mà không cần tài sản đảm bảo. Với mức vay tối đa đến 50 triệu đồng, không cần tài sản đảm bảo, hầu hết các khoản vay kinh tế hộ sẽ không phải đăng ký giao dịch đảm bảo với Nhà nước. Điều này giảm bớt thủ tục chứng thực hồ sơ vay vốn ở cấp phường xã cho nông dân, mà vẫn được vay vốn với số tiền lớn. Từ đó, nhà nông có nhiều thời gian tập trung vào sản xuất, ngân hàng cũng có điều kiện tập trung vào công việc chuyên môn của mình nhiều hơn, không mất nhiều thời gian giải thích điều kiện vay vốn.

 

Tín nhiệm mới cho tín chấp trăm triệu

 

Chính sách tín dụng nông nghiệp sẽ tạo ra một kênh dẫn vốn lớn vào nông thôn, ngân hàng sẽ cẩn trọng hơn đối với những khoản vay trăm triệu. Nhất là với những hộ sản xuất kinh doanh và hợp tác xã được vay vốn lên đến 200 - 500 triệu đồng mà không cần thế chấp. Một số lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) khu vực ĐBSCL cho biết, ngân hàng có thể sẽ xem xét những khách hàng có tín nhiệm mới cho vay tín chấp, đối với khoản vay lên đến 500 triệu có thể ngân hàng sẽ chỉ xem xét cho vay không tài sản đảm bảo khoảng 50% trên mỗi khoản vay.

 

Thực tế kinh tế hộ hiện đang chiếm tới 75-80% trong nông nghiệp nông thôn, một số địa phương không có mô hình hợp tác xã, nên ngân hàng cũng không biết triển khai cho vay như thế nào. Tại Tiền Giang, Agribank hiện đang khu nhóm 5 thành phần kinh tế: DN thương mại, hộ làm ăn lớn, DN vừa và nhỏ, kinh tế hợp tác và hợp tác xã, kinh tế trang trại, để tiện triển khai cho vay nông nghiệp nông thôn. Theo ông Kiều Mạnh Minh, Giám đốc Agribank Tiền Giang, đối với những khoản vay 200 triệu và 500 triệu đồng, thời gian tới, ngân hàng lựa chọn khách hàng làm ăn tốt để triển khai cho vay không cần tài sản thế chấp. Theo đó, sẽ hướng khoản vay vào các khu vực trồng trái cây sạch trên địa bàn tỉnh, tập trung cho DN vừa và nhỏ, tạo lực đẩy cho trái cây xuất khẩu Tiền Giang.

 

 

 

Theo TNOnline

Tệp đính kèm