Cập nhật: 21/05/2010 15:34:44 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo thống kê, cả nước hiện có 9.000 chợ, 550.000 điểm bán lẻ tập trung tại 6.000 xã của 63 tỉnh, thành. Hiện có tới 70% dân số nước ta sống ở nông thôn nhưng mức tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 27% doanh số bán lẻ trên cả nước.

Thống kê này cho thấy, thị trường trong nước còn rất tiềm năng nhưng làm thế nào để hàng Việt đến tay người tiêu dùng (NTD) Việt ở vùng nông thôn đang là bài toán khó cho bất cứ doanh nghiệp (DN) nào.

 

Khó từ hệ thống phân phối

 

Nền kinh tế hàng hóa của nước ta xưa nay có thói quen thực hiện phương thức giao hàng cho chợ đầu mối, đại lý... Các đơn vị này phân phối tiếp qua nhiều nấc trung gian mới đến được tay NTD. Cách làm truyền thống này có lợi cho nhà sản xuất là không lo khâu phân phối sản phẩm nhưng phụ thuộc quá nhiều vào các đối tượng đầu mối (thương lái). Chính vì thế, hàng hóa bị đội giá lên nhiều lần.

 

Mặt khác, nhà sản xuất không trực tiếp biết mặt người  mua, cũng như không nghe được sự phản hồi từ NTD. Chính những bất lợi này, nhiều DN đã tự thành lập hệ thống phân phối, đưa hàng đến phục vụ tận nơi người mua, kể cả vùng sâu, vùng xa. 

 

Ông Phan Duy Đức, Giám đốc Công ty TNHH Hiếu Giang, Q.2, TP.HCM cho biết, việc xây dựng hệ thống phân phối rất khó khăn, tốn kém và không phải DN nào cũng làm được. Muốn có một mạng lưới tiêu thụ hàng hóa đến tận NTD, đòi hỏi DN phải có chuyên môn để định vị đúng tiềm năng thị trường, biết nhu cầu khách hàng. Từ đó mới xây dựng chiến lược và tiếp cận với người mua.

 

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phân tích: Đứng về phía DN, đa số đều có khả năng đáp ứng thị trường và nhu cầu bán hàng. Nhưng thực tế, để tiếp cận thị trường nông thôn thì không dễ dàng vì kinh phí trong khâu lưu thông rất tốn kém.

 

Đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Võ Văn Quyền, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương cho rằng, đây là một cuộc vận động thiết thực để người dân trong nước ưu tiên dùng hàng nội. Nhưng không có nghĩa là ép buộc NTD trong nước hoặc mang tính chất bảo hộ hàng nội thuần túy. Các DN cần chinh phục người Việt ưu tiên dùng hàng Việt bằng chất lượng sản phẩm tốt chưa đủ, mà cần có hệ thống phân phối, tiếp thị, hậu mãi tốt thì mới mong đạt hiệu quả.

 

Khả năng thanh toán chưa cao

 

Trước đây, có nhiều DN tham gia chương trình đưa hàng Việt về phục vụ vùng sâu, vùng xa. Đến nay, còn 35 DN hoạt động chuyên nghiệp, với bộ máy chuyên trách, đầu tư nghiêm túc và có kế hoạch dài hơi. Nhưng chỉ có khoảng trên 10 DN đạt được hiệu quả. Doanh số ở thị trường nông thôn của các DN này chiếm từ 10 - 25% tổng doanh số.

 

Doanh số đó chưa cao bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là khả năng thanh toán của khu vực nông thôn không cao do thu nhập của người dân nông thôn còn thấp.

 

Trong khi đó, nhiều DN đưa hàng Việt phục vụ tận tay NTD Việt nhưng cách làm lại chưa chuyên nghiệp.

 

Ông Bùi Đức Huệ, Tổng giám đốc Công ty Sao Việt cho biết, khi tham gia đưa hàng về vùng sâu, vùng xa phục vụ nhân dân, nhiều đơn vị cứ lấy nhân viên kinh doanh để đi bán hàng thuần túy, không lập được đội ngũ marketing phù hợp vùng nông thôn. Khi không tách bạch được mục tiêu giữa marketing với bán hàng thì hiệu quả kinh doanh của DN thu lại không cao.

 

Theo bà Vũ Kim Hạnh,  NTD nông thôn có nhu cầu rất lớn dùng hàng Việt. Họ ủng hộ chủ trương “ưu tiên” dùng hàng Việt, nhưng với điều kiện, hàng Việt phải có mức giá chấp nhận được và dễ mua. Các DN bên cạnh tập trung sản xuất tốt thì phải vươn dài cánh tay phân phối để đưa hàng về nông thôn. Để giải được bài toán về kênh phân phối, DN phải huy động tối đa mọi nguồn lực cũng như nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, chính sách và vốn là vấn đề cốt lõi.

 

Vừa qua, BSA đã tổ chức Sơ kết giai đoạn 1 chương trình Hàng Việt về nông thôn. Kết quả cho thấy, sau 34 phiên chợ ở 16 tỉnh, thành (với sự tham gia của 35 DN), chương trình Hàng Việt về nông thôn đạt doanh thu hơn 22,715 tỉ đồng và thu hút được trên 334.000 lượt người tham quan mua sắm.

 

 

 

Theo  Báo Văn Hóa Online

Tệp đính kèm