Cập nhật: 25/05/2010 15:10:06 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bỏ ra mấy trăm nghìn để mua một hộp kem, nhưng về đến nhà mở ra mới biết kem rởm; đi mua xăng thì bị người bán gian lận; mua phải thực phẩm không rõ nguồn nguồn gốc xuất xứ, hay đơn giản là mua con cá, cân thịt cũng bị cân điêu… là những điều mà người tiêu dùng hay gặp phải. Người tiêu dùng chỉ ấm ức chứ không biết kêu ai. 

Cách đây không lâu, bà Hà Thị Vân vào siêu thị Vincom (Hà Nội) mua một hộp kem nhãn hiệu L'oreal với giá 200 nghìn đồng. Nhân viên bán hàng mĩ phẩm giải thích do đang nằm trong chương trình khuyến mãi nên sản phẩm được giảm từ 300 nghìn xuống còn 200 nghìn đồng. Về nhà, tìm trên mạng để xem thông tin về sản phẩm, mới thấy hộp kem không đúng với sản phẩm thật. Sáng hôm sau, bà mang hộp kem đến tận nhà phân phối để hỏi, thì được biết, đây là sản phẩm giả mang nhãn hiệu L'oreal. Quá bức xúc, bà Vân mang kem lên siêu thị trả lại. Qua trao đổi, nhân viên bán hàng đành phải trả lại tiền.

 

Cũng như bà Vân, bà Hoàng Mai nhà ở Kim Ngưu mua chiếc ti-vi LCD 32 inch tại siêu thị Media Mart vào ngày 28 Tết, kể : Sau khi thanh toán hết tiền và được nhân viên bán hàng chở về lắp đặt, hôm sau kiểm tra lại số seri, bà Mai phát hiện chiếc ti-vi này không đúng với chiếc bà đã đặt tiền, trong khi giá lại thấp hơn gần 3 triệu đồng so với chiếc bà đã bỏ tiền ra mua. May nhờ người "quen biết" can thiệp bà mới lấy lại được tiền.

 

Những người lấy lại được tiền đều cho "như thế đã là may mắn" chứ nhiều khi mất tiền oan. Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) mỗi năm nhận được hơn 1.000 đơn thư khiếu nại của người tiêu dùng và giải quyết được mới chỉ chiếm gần 80% số vụ vi phạm. Nhưng chắc đây mới là con số rất nhỏ những người "bị hại" gửi đơn tới Hiệp hội đề nghị can thiệp. Ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thừa nhận, mặc dù số vụ vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng ngày càng nhiều, nhưng hoạt động của Hiệp hội vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của gần 90 triệu người tiêu dùng. Do vậy, tình trạng người tiêu dùng bị "móc túi" vẫn còn phổ biến. Bên cạnh việc chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe người bán hàng thì người tiêu dùng còn chưa hiểu hoặc ngại đòi quyền lợi hợp pháp cho mình vì thủ tục còn phiền toái, mất thời gian, công sức. Ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội cũng cho rằng, đông đảo người tiêu dùng còn rất mù mờ về quyền lợi của mình nên rất cần phổ biến, trang bị cho họ những kiến thức cần thiết để họ trở thành người tiêu dùng thông thái.

 

Theo Bộ Công Thương, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang gấp rút hoàn chỉnh, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến trong Kì họp thứ 7, với nhiều điểm mới được bổ sung, trong đó quy định "có quyền kiện doanh nghiệp ra tòa mà không cần chứng minh thiệt hại…"

 

 

 

Theo Báo điện tử Người Cao Tuổi

 

Tệp đính kèm