Cập nhật: 02/06/2010 15:35:24 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các bộ cần lưu ý tập trung khắc phục các vấn đề lớn nổi lên: Nhập siêu vẫn còn cao, thị trường bất động sản tăng “nóng”, tình trạng thiếu điện và dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đồng thời theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới để có phản ứng chính sách kinh tế kịp thời.

Ngày 1/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 nhằm đánh giá tình hình kinh tế- xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm nay, đồng thời phân tích những tác động đối với nền kinh tế sau 3 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để có những bước đi và giải pháp hiệu quả nhất cho nền kinh tế.

 

Theo đánh giá tình hình kinh tế- xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm nay tiếp tục có chuyển biến tích cực và khá toàn diện. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,27%, mức tăng thấp trong vòng 5 năm gần đây. Thu chi ngân sách nhà nước đạt cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Du lịch- dịch vụ, công nghiệp vẫn là hai khu vực có mức tăng trưởng ấn tượng, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 lên tới 440.000 lượt khách, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm nay cũng tăng trưởng 13,6%, cao hơn gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái và tăng cao hơn so với kế hoạch đề ra….

 

Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong việc mở rộng sản xấut kinh doanh và tái đầu tư do do giá cả nguyên liệu đầu vào và nhập khẩu tăng, tình trạng thiếu lao động, thiếu vốn, đang rất Nhà nước hỗ trợ cơ chế giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, tăng giá trị xuất khẩu và giảm nhập siêu.

 

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân tích 4 vấn đề lớn nổi lên các bộ cần lưu ý để tập trung khắc phục, đó là nhập siêu vẫn còn cao, thị trường bất động sản tăng nóng theo kiểu đầu tư bong bóng, tình trạng thiếu điện ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và dịch bệnh diễn biến phức tạp.

 

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng tiếp tục theo dõi diễn biến của kinh tế thế giới để có phản ứng chính sách kinh tế kịp thời; bám sát các Nghị quyết điều hành KTXH của Chính phủ nhằm phấn đấu đạt cho được các chỉ tiêu KTXH đã đề ra trong năm nay.

 

Đồng thời, các bộ trưởng dành thời gian xây dựng và ban hành cơ chế chính sách, nhất là ban hành các rào cản thương mại phù hợp với cam kết quốc tế nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp phụ trợ, xây dựng nông thông mới, phát triển công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực cũng như xây dựng danh mục sản phẩm trọng điểm quốc gia…

 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục 4 vấn đề lớn hiện nay.

 

Các bộ, ngành duy trì giao ban để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu gắn với tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo quyết liệt đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất. Ngân hàng Nhà nước phải quyết liệt thực hiện các biện pháp giảm lãi suất tín dụng gắn với giữ ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại tệ.

 

Các bộ, ngành và các địa phương  thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường giá cả, không để đầu cơ, tùy tiện nâng giá, kiểm soát hàng giả và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; phân tích thị trường bất động sản để có quản lý chặt chẽ hơn, không để tình trạng đầu tư theo kiểu bong bóng…

 

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách phúc lợi và an sinh xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ; tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo; Yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sơ kết 3 năm triển khai đào tạo theo nhu cầu để từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể lĩnh vực này trong 5 năm tới.

 

Một vấn đề quan trọng khác tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về những tác động đối với nền kinh tế sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO.

 

Các ý kiến cho thấy: Gia nhập WTO đã tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng thị trường hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao…

 

Quá trình Việt Nam ra nhập WTO cũng bộc lộ những yếu kém như chưa quản lý chặt vấn đề môi trường với đầu tư phát triển, chưa có chính sách điều chỉnh hiệu quả nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực giá trị gia tăng cao, chưa có phản ứng chính sách thương mại kịp thời bảo hộ sản xuất…

 

Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu từng bộ, ngành kiểm điểm rõ từng lĩnh vực liên quan sau 3 năm gia nhập WTO. Từ đó xây dựng và ban hành Nghị quyết của Chính phủ nhằm tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế với những bước đi và giải pháp hiệu quả nhất cho nền kinh tế….

 

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã cho ý kiến về dự án Luật kiểm toán độc lập và dự án Luật đo lường.

 

 

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm