Cập nhật: 03/06/2010 15:28:39 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ba năm chưa phải là khoảng thời gian dài để đánh giá hết những tác động của việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhưng cũng đủ để có thể nhận diện hết cơ hội và thách thức.

Thành quả

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, những tác động của việc gia nhập WTO được thể hiện rõ nhất qua việc Việt Nam vượt qua một cách ngoạn mục cuộc suy thoái kinh tế đã từng phủ bóng đen trên toàn cầu. Năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta đạt 8,5% nhờ được hưởng lợi từ nhiều yếu tố tích cực cả bên trong cũng như bên ngoài. Đặc biệt, năm 2009, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, các doanh nghiệp và làng nghề lao đao, nhờ những nỗ lực điều hành của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt 5,32%, là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương. Điều đó, nếu không phải vì chúng ta đã gia nhập một sân chơi lớn với những thị trường rộng mở thì khó khăn có khi còn tăng lên gấp nhiều lần.

 

Nhưng cái được lớn nhất theo ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương, không phải là những thành quả trong phát triển kinh tế mà chính là những đổi thay trong nhận thức và tư duy. Trên cơ sở đó, chúng ta đã kịp thời ban hành cơ chế, chính sách sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cũng có chung quan điểm này, ông cho rằng, nhờ gia nhập một sân chơi lớn, ý thức của cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ, viên chức và các doanh nhân ngày càng rõ rệt hơn, thường trực hơn về việc mở rộng giao lưu thương mại quốc tế, đồng thời chúng ta rút ra được một số kinh nghiệm trong quá trình giao lưu thương mại. Từ nhận thức như vậy nên ta đã đạt được kết quả mở rộng thêm mối giao lưu thương mại quốc tế, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng, số vốn FDI đổ vào nước ta vẫn nhiều.

 

Phát biểu về thành quả của Việt Nam sau 3 năm gia nhập WTO tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, chúng ta đã đạt được những thành tựu rất lớn và rất đáng kể. Ai cũng biết rằng kể từ 3 năm hội nhập, vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài rất khả quan. Đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng rất mạnh. Năm 2007, nguồn vốn đầu tư đã đạt trên 100 tỷ USD, bằng cả 17 năm chúng ta chưa hội nhập và sau đó, đến năm 2008, mặc dù có khủng hoảng, nguồn vốn đầu tư bên ngoài vẫn tăng. “Điều đó thể hiện rằng khi chúng ta đã hội nhập, môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta đã tiến tới ngang bằng với các nước thành viên WTO thì các nhà đầu tư đã yên tâm đầu tư vào Việt Nam”, ông Phúc nói.

 

Nông dân ít được hưởng lợi

 

Nhưng không phải ai cũng được hưởng lợi từ việc này. Thực tế thấy, nông dân vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất khi chính sách bảo hộ nông nghiệp không còn nữa.

 

Trong khi WTO quy định đối tượng của các chính sách hỗ trợ trong nước là người sản xuất thì Việt Nam lại hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, mà chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước. Còn đối với người sản xuất là nông dân được hỗ trợ hầu như rất ít. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra nhận xét: “Nhìn lại 3 năm gia nhập WTO, ngành nông nghiệp đang bị thiệt thòi lớn, vốn đầu tư vào nông nghiệp xuống rất mạnh. Năm 2000, vốn đầu tư vào ngành này chiếm khoảng 13% tổng đầu tư trong xã hội nhưng đến năm 2009 chỉ còn 6,8%. Như vậy, lĩnh vực nông nghiệp đang bị thiệt thòi đáng kể, trong khi về mặt tăng trưởng kinh tế cũng như tạo việc làm, ổn định xã hội thì nông nghiệp có đóng góp quan trọng”.

 

Ngay trong diễn đàn Quốc hội, vấn đề này cũng được đưa ra bàn luận rất sôi nổi. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế sau 3 năm nước ta gia nhập WTO. Đó là, chúng ta chưa khắc phục được tình trạng mất cân đối, thậm chí là mất bình đẳng trong giao lưu thương mại quốc tế (thể hiện qua việc nhập siêu quá lớn, ở thị trường trong nước có biểu hiện khách lấn chủ, tức là các nhà đầu tư nước ngoài lấn các nhà sản xuất, các doanh nghiệp trong nước). Hạn chế thứ hai là những yếu kéởm về cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất kinh doanh, chất lượng nhân lực quản lý và yếu kém về tư pháp rất chậm được khắc phục. “Trong lĩnh vực xuất khẩu, cho đến nay, chúng ta vẫn chỉ xuất khẩu những hàng thô, những hàng gia công lắp ráp nên vị thế cạnh tranh của chúng ta không mạnh”, ông Thuyết nói.

 

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng chỉ rõ những khiếm khuyết của chúng ta như chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chưa cao; quá trình ban hành chính sách tuy đã minh bạch hơn nhưng vẫn thiếu tính tiên liệu; việc phối hợp giữa các ban ngành chức năng còn kém; còn tồn tại nhiều thủ tục hành chính rườm rà... Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng thừa nhận, những hạn chế trên là do chúng ta chưa có chính sách phản ứng linh hoạt.

 

Tất cả những hạn chế, tồn tại trên cần được nghiêm túc kiểm điểm, nhìn nhận để chúng ta hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới, để khai thác tốt hơn những cơ hội, bởi xét cho cùng, trong một thế giới ngày càng “nhỏ bé” vì hội nhập, chúng ta không thể đơn phương độc mã, có thể việc gia nhập WTO có những tác động không nhỏ nhưng đó là quy luật tất yếu để hướng đến sự phát triển.

 

 

 

Theo Báo điện tử KTNT

 

Tệp đính kèm