Cập nhật: 14/06/2010 15:46:39 Article Rating
Xem cỡ chữ

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 6 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố khẳng định: Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tốt hơn nhiều nước khác.

Cũng như trong những năm trước, Việt Nam không xảy ra khủng hoảng ngân hàng, cho dù vẫn còn nhiều bất ổn kinh tế vĩ mô.

 

WB cho rằng, đạt được những kết quả tích cực này chủ yếu là nhờ Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm phản ứng kịp thời trước tình hình kinh tế thay đổi.

 

Trong vòng chưa đầy ba năm, nền kinh tế Việt Nam đã chuyển từ tình trạng tăng trưởng đều đặn sang phát triển quá nóng, rồi ổn định hóa, đến kích cầu và cuối cùng là tái cân bằng nền kinh tế.

 

Chính phủ Việt Nam đã không mất nhiều thời gian để điều chỉnh chính sách. Gần đây, gói kích cầu lớn, kết hợp chương trình miễn giảm thuế với tăng chi tiêu chính phủ và tăng trưởng tín dụng nhanh đã thành công trong việc kích thích cầu nội địa và duy trì tăng trưởng kinh tế.

 

Đặc biệt, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vẫn chiếm khoảng 67% GDP ngay khi bị cuộc khủng hoảng tấn công trong năm 2009.

 

Tuy nhiên, bản báo cáo cũng cho rằng, Việt Nam còn có thể làm được tốt hơn thế nếu thông tin được công bố và trao đổi tốt hơn. Vì thị trường không biết chắc có hiểu rõ những gì mà Chính phủ theo đuổi hay không nên thị trường muốn thấy hành động rất mạnh mẽ để được thuyết phục rằng Chính phủ đang tiến hành một chuỗi hành động hợp lý. Do đó, Việt Nam cần một sự chuyển dịch nhanh quan điểm chính sách khi tình hình thay đổi./.

 

++ GDP tăng 5,3% trong năm 2009 trong đó quý IV đã đạt mức 6,9%. Với mức 5,8%, tốc độ tăng trưởng quý I năm 2010 tuy kém ấn tượng, nhưng chưa có gì khẳng định các ý kiến cho rằng tăng trưởng đang chững lại.

 

++ Xuất khẩu năm 2009 giảm, lần đầu tiên kể từ khi tiến hành đổi mới kinh tế, nhưng mức suy giảm vẫn thấp hơn nhiều nước khác trong khu vực. Đến nay, tăng trưởng xuất khẩu đã phục hồi bằng khoảng 30% tốc độ tăng trưởng hàng năm của giai đoạn trước khủng hoảng.

 

++ Lạm phát đã giảm từ 19,9% năm 2008 xuống còn 6,5% năm 2009. Mặc dù có một số dấu hiệu đáng lo ngại về khả năng bùng phát lạm phát vào cuối năm 2009 và đầu năm 2010, nhưng cho tới nay, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng vẫn dừng ở mức vừa phải.

 

Nguồn: Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 6 của WB

 

 

Theo vovnews.vn.

Tệp đính kèm