Cập nhật: 17/06/2010 16:58:25 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tháng 5 và nửa đầu tháng 6 này, tình hình cung ứng điện luôn trong tình trạng căng thẳng do xuất hiện các đợt nắng nóng gay gắt, nhu cầu phụ tải tăng đột biến, bình quân tới 290 triệu kW giờ/ngày trong khi sản lượng điện khả dụng toàn hệ thống không cao, chỉ khoảng 265 đến 275 triệu kW giờ/ngày.

 

Vì vậy, ngành điện đang phải thực hiện tiết giảm điện luân phiên ở nhiều nơi, nhất là ở khu vực nông thôn, ảnh hưởng không nhỏ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

 

Những ngày tháng 6 này, thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiều nơi nhiệt độ vượt 40 độ C, nhu cầu tiêu thụ điện tăng đột biến dẫn tới tình trạng thiếu điện, buộc ngành điện phải thực hiện tiết giảm điện luân phiên, nhất là ở khu vực nông thôn. Bạn đọc Báo Nhân Dân từ khắp nơi bức xúc gửi nhiều đơn thư về tòa soạn phản ánh tình trạng mất điện, cắt điện kéo dài tại nhiều địa phương làm đảo lộn sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất. Theo lãnh đạo Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), với tình trạng thiếu hụt sản lượng điện từ 7 đến 9% như hiện nay thì sản lượng điện phải tiết giảm ở các vùng nông thôn cả nước vẫn ở mức cao, có thể  10 đến 15%. Ngay các thành phố lớn như Hà Nội, mấy ngày qua, nhiều khu vực dân cư bị mất điện kéo dài, khiến người dân rất bức xúc. Ông Phạm Lê Hùng, Giám đốc Trung tâm Ðiều độ thông tin thuộc Tổng công ty Ðiện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội), cho biết: Những ngày qua, có ngày, sản lượng tiêu thụ điện của Hà Nội lên tới 34,5 đến 35 triệu kW giờ/ngày, cao hơn mức trung bình 29 đến 30 triệu kW giờ/ngày. EVN Hà Nội dự kiến ngày cao điểm nhất còn có thể lên tới 39 triệu kW giờ/ngày vào những ngày nắng nóng cuối tháng 6, đầu tháng 7. Hà Nội được cấp đủ sản lượng điện nên không phải thực hiện việc tiết giảm điện. Tuy nhiên, hiện EVN Hà Nội đang phải cắt điện trên diện rộng phục vụ đấu nối các công trình cải tạo, nâng cấp và chống quá tải điện mùa hè, phục vụ Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, củng cố hệ thống điện trước mùa mưa bão... Rút kinh nghiệm từ các sự cố điện tháng 6-2009, EVN Hà Nội đã khẩn trương đầu tư, nâng cấp nhiều hệ thống trạm, đường dây và thiết bị. Ông Hùng cũng thừa nhận rằng, trong hoàn cảnh nắng nóng bất thường, hệ thống điện Hà Nội nhiều nơi còn chắp vá, chưa hoàn chỉnh thì việc xảy ra sự cố điện là khó tránh khỏi, mặc dù việc cấp điện trên địa bàn đã được cải thiện rất nhiều. EVN Hà Nội đang tăng cường giao ban hằng ngày với từng đơn vị thành viên và bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để giải quyết các sự cố liên quan cấp điện trên địa bàn.

 

Phó Tổng giám đốc EVN Ðặng Hoàng An cho biết, tính đến tháng 5-2010, công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt gần 19 nghìn MW, trong đó 6.500 MW là thủy điện (chiếm 34,2%). Năm tháng đầu năm 2010, EVN đã đưa thêm vào vận hành 490 MW công suất. Với nhu cầu phụ tải dao động từ 15.400 đến 16.100 MW, hệ thống điện đủ công suất và có dự phòng nhất định. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến hết sức bất thường, trái quy luật nhiều năm, khô hạn nghiêm trọng, kéo dài trên cả nước chưa từng thấy trong vòng 100 năm qua, khiến các nhà máy thủy điện không đủ nước để phát điện. Trong tháng 5-2010, lượng nước về hồ Hòa Bình chỉ bằng 36% trung bình nhiều năm, hồ Thác Bà và Tuyên Quang bằng 34-38%. Mức nước các hồ thủy điện đã xuống rất thấp, gần mực nước chết, trong khi lũ chưa về nên các nhà máy thủy điện không phát được sản lượng cao. Lúc 13 giờ ngày 16-6, mực nước hồ Hòa Bình chỉ đạt 82,1 m, hơn mực nước chết 2,1 m. Ðến nay, chưa có lũ tiểu mãn về hồ Hòa Bình. Vừa qua có mưa lớn nên lượng nước về hồ có cải thiện nhưng mới chỉ đạt từ 1.500 đến 1.750 m3/giây. Với tình trạng trên, công suất phát điện của Nhà máy  thủy điện Hòa Bình trong ngày 16-6 chỉ đạt hơn 1.300 MW (công suất thiết kế 1.920 MW).

 

Khô hạn, nắng nóng diễn ra trên diện rộng khiến nhu cầu phụ tải tăng mạnh. Tính chung  năm tháng đầu năm, sản lượng điện cả hệ thống thực hiện ước đạt 39,207 tỷ kW giờ, tăng 19,5% so cùng kỳ năm 2009. Dự báo sản lượng toàn hệ thống đầu tháng 6 này cũng đạt hơn 300 triệu kW giờ/ngày. Trong khi đó, một số tổ máy nhiệt điện than mới đưa vào vận hành, đang tạm trưng dụng như Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Cẩm Phả 1, Sơn Ðộng hoạt động chưa ổn định, phải ngừng để sửa chữa. Các tổ máy nhiệt điện than cũ do phải vận hành dài ngày không được ngừng sửa chữa từ năm 2009 đến nay nên độ tin cậy giảm, hay xảy ra các sự cố, vì vậy sản lượng nhiệt điện than giảm nhiều. Ðể bù đắp sản lượng thiếu hụt, EVN đã tìm cách huy động các nguồn như tăng cường mua điện của Trung Quốc và sử dụng nguồn điện giá thành cao. Năm tháng đầu năm 2010, sản lượng các nguồn giá thành cao (gấp 4-5 lần giá bán) tăng mạnh so cùng kỳ năm 2009, như sản lượng nhiệt điện chạy dầu FO (Hiệp Phước, Thủ Ðức, Ô Môn, Cần Thơ) là 1,86 tỷ kW giờ, tăng 249,33%; tua-bin khí dầu DO (Cà Mau, Bà Rịa, Thủ Ðức, Cần Thơ) là 330 triệu kW giờ, tăng 290,82%, nguồn điện chạy bằng đi-ê-den tăng 115,92% so cùng kỳ năm 2009.

 

Như vậy, tình trạng thiếu điện, cắt điện sẽ còn tiếp tục một thời gian nếu như mực nước các hồ thủy điện không được bổ sung nhờ lũ đầu nguồn. Mục tiêu quan trọng lúc này là bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia, chủ động điều tiết sản lượng thủy điện để ngăn không cho mực nước các hồ giảm xuống dưới mực nước chết trước khi lũ tiểu mãn về. Ðể bảo đảm cung ứng điện ở mức cao nhất cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo EVN theo dõi sát khả năng phát điện của các nguồn điện trong hệ thống, bảo đảm cung cấp điện ở mức cao nhất và vận hành hệ thống điện an toàn trong giai đoạn cuối mùa khô 2010, tăng cường giám sát thực hiện sản xuất và cung cấp điện. Theo đó: tiếp tục huy động cao nhất các nguồn điện, kể cả nguồn do EVN quản lý, các nguồn điện độc lập và mua điện từ Trung Quốc...; điều chỉnh lịch bảo dưỡng, sửa chữa, tiếp tục hoãn sửa chữa các tổ máy nếu điều kiện kỹ thuật còn cho phép vận hành kết hợp tăng cường giám sát tình trạng thiết bị; đẩy nhanh công tác xử lý sự cố, đưa vào vận hành sớm nhất các nguồn nhiệt điện than mới như Hải Phòng 1, Sơn Ðộng, Quảng Ninh 1, Cẩm Phả 1. Hiện nay, tổng công suất bốn nhà máy này đạt 2.200 MW, khi đi vào vận hành toàn bộ sẽ là nguồn quan trọng cho hệ thống, có thể vận hành sớm nhất so với các dự án khác; đẩy nhanh đưa vào khai thác các nguồn điện mới, thúc đẩy việc triển khai các dự án đầu tư trong và ngoài EVN; tăng cường kiểm tra thiết bị, trạm, đường dây, không để xảy ra các sự cố.

 

Trong hoàn cảnh cung ứng điện căng thẳng như trên, việc tăng cường tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý là rất cần thiết. Bên cạnh việc bảo đảm cấp điện ổn định cho các doanh nghiệp sản xuất quan trọng, nhất là phục vụ xuất khẩu theo chủ trương của Chính phủ, EVN đồng thời tăng cường vận động các hộ tiêu thụ điện lớn là các doanh nghiệp tiết kiệm điện, phấn đấu đạt mức 5-10% sản lượng điện. Tại Ninh Bình, bốn nhà máy xi-măng lớn cam kết dừng dây chuyền luân phiên. Tại Hải Dương, các nhà máy xi-măng và nhà máy thép cam kết tạm dừng vận hành các hệ thống thiết bị chưa thật sự cần thiết lúc này. Tại Hải Phòng, nhiều nhà máy đã có các sáng kiến lắp đặt các thiết bị tiết kiệm điện đạt hiệu quả cao... Theo đánh giá của EVN, việc các doanh nghiệp chia sẻ khó khăn và hưởng ứng tích cực chủ trương này của ngành điện là rất cần thiết trong lúc này và lượng điện tiết kiệm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc thực hiện tiết kiệm điện tại các doanh nghiệp, công sở và người dân cần được đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện tốt hơn nữa, trong đó có các biện pháp như tiết kiệm điện chiếu sáng đô thị bằng chế độ hợp lý, để chế độ điều hòa nhiệt độ ở các công sở không thấp hơn 25 độ C, kiểm tra và giám sát việc tắt điện đúng giờ quy định đối với các biển hiệu quảng cáo lớn sử dụng nhiều đèn chiếu sáng. Ðối với hộ gia đình thì cần tăng cường sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện như đèn compact, sử dụng hợp lý các thiết bị như bàn là, bình đun và phích đun nước nóng, khuyến khích người dân sử dụng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời...

 

Theo chúng tôi, trong lúc chưa thể giải quyết cơ bản tình trạng cắt điện do thiếu điện bất khả kháng thì EVN cần chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện nghiêm túc, công bằng và minh bạch hơn nữa việc cắt điện luân phiên bảo đảm cân đối giữa sản xuất và sinh hoạt của người dân, không để một khu vực bị cắt điện quá lâu, đặc biệt hạn chế cắt điện sinh hoạt từ tối hôm trước đến sáng hôm sau. Bộ Công thương và Cục Ðiều tiết điện lực cần tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra việc này tại các địa phương. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận trong dư luận xã hội và khuyến khích người dân thực hành tiết kiệm điện. Việc sửa chữa, cải tạo lưới điện cũng cần tính toán hợp lý hơn, giảm thời gian cắt điện phục vụ thi công, dự báo chính xác hơn mức độ tăng trưởng phụ tải và diễn biến thời tiết để có kế hoạch đầu tư dài hạn, đồng bộ, không làm chắp vá. Các đơn vị điện lực cần tăng cường kiểm tra hành lang an toàn lưới điện, các hệ thống đường dây, trạm, thiết bị để giảm tổn thất điện năng, giảm nguy cơ sự cố về điện như chập, cháy, nổ, nhảy lưới điện..., tránh tình trạng như gần đây, tại Hà Nội, một chiếc xe tải khi đổ đất đã gây ra sự cố đường điện 110 kV dẫn tới mất điện trên diện rộng ở nhiều khu vực nội thành. Trường hợp có sự cố, phải bố trí đủ lực lượng và thiết bị vật tư trực 24/24 giờ để sửa chữa, thay thế trong thời gian ngắn nhất.

 

Bên cạnh việc thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, về lâu dài, để hạn chế tình cảnh "ăn đong" điện trong mùa khô, mùa nắng nóng, các ngành chức năng cần tính toán quy hoạch xây dựng nguồn điện với tỷ trọng các loại hình phát điện hợp lý trong hoàn cảnh khí hậu biến đổi phức tạp theo chiều hướng ngày càng bất lợi mà thủy điện đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tăng cường nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để huy động cao nhất mọi nguồn lực trong xã hội để đầu tư các nhà máy điện. Ở góc độ kỹ thuật, cần xây dựng các quy định và chế tài để thẩm định các dây chuyền thiết bị công nghệ của các dự án đầu tư phải bảo đảm mức tiêu thụ năng lượng, nhất là điện một cách hợp lý, khuyến khích áp dụng công nghệ và thiết bị mới tiết kiệm điện, tránh tình trạng công nghệ nhập khẩu các thiết bị công nghệ "bãi rác" tiêu hao quá nhiều năng lượng mà hiệu quả thấp. Về góc độ quy hoạch, khi phê duyệt dự án đầu tư, các ngành, địa phương cũng cần phải xem xét, tính toán khả năng cung ứng điện cho dự án và tác động của dự án tới việc cung ứng điện cho sinh hoạt của người dân địa phương. Có như vậy thì tình trạng thiếu điện mới cơ bản được giải quyết.

 

 

 

Theo Báo Nhandan Online

Tệp đính kèm