Giáo sư Joseph Stiglitz, người từng đoạt giải Nobel kinh tế nhận định rằng nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy giảm, giữa lúc các nước trên thế giới đồng loạt thi hành chính sách tài khóa thắt chặt.
Theo ông Stiglitz, một điều đã trở nên rõ ràng về các nền kinh tế châu Âu là tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại nếu các chính phủ tại đây đồng loạt giảm vay mượn, thắt chặt chi tiêu và tăng thuế. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có ít người nhận được việc làm và nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách sẽ không được như kỳ vọng, do nguồn thu từ thuế sẽ eo hẹp hơn và chi trả cho bảo hiểm thất nghiệm tăng lên. Đó là một nghịch lý cổ điển do nhà kinh tế J.M. Keynes đưa ra khi mà điều được cho là tốt đối với một quốc gia sẽ là thảm họa đối với các quốc gia khác.
Hiện nền kinh tế châu Âu đang đứng trước nguy cơ rơi vào "suy thoái kép." Mặc dù nguy cơ này rõ ràng là đáng quan ngại, nhưng nó không quan ngại bằng bức tranh toàn cảnh các nền kinh tế trì trệ đang tiến gần đến bờ vực giảm phát.
Tại Mỹ, mặc dù có nhiều ý kiến (trong đó có Giáo sư Stiglitz) ủng hộ chính phủ tiếp tục chi tiêu cho nền kinh tế, song phe bảo thủ cũng đang có tiếng nói của họ.
Larry Summers, Trưởng Nhóm cố vấn kinh tế cho Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner đều cho rằng cần duy trì các biện pháp kích thích hồi phục kinh tế.
Hiện Dự luật tạo việc làm đang được thúc đẩy để thông qua tại Quốc hội Mỹ. Nhưng dường như phe ủng hộ chủ trương thắt chặt chính sách tài khóa đang ngày càng thắng thế. Việc này làm gia tăng rủi ro các nền kinh tế công nghiệp phát triển trên thế giới sẽ bị suy yếu đồng loạt.
Ở châu Âu, vấn đề đặc biệt nguy hiểm ngay tại thời điểm này là việc cắt giảm lương nhân viên khu vực công. Cái gọi là "mất giá nội bộ" này dựa trên ý tưởng là giá và lương có thể kéo nhau cùng nhau đi xuống. Cho dù điều này có xảy ra hay không, chắc chắn có một đối tượng không giảm đó là giá trị các khoản nợ mà các hộ gia đình ở những nước như Ireland và Tây Ban Nha đang mắc phải.
Vì vậy, một khi lương giảm, trong khi các khoản nợ tiêu dùng và nợ vay thế chấp giữ nguyên, nhiều gia đình sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Tại các nước có tỷ lệ vay nợ cao, tình trạng này sẽ chất thêm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng, khiến các ngân hàng trở nên thận trọng hơn và hạn chế cho vay - tạo ra một vòng xoáy mới đẩy nền kinh tế đi xuống.
Đến đây xuất hiện một điểm yếu nữa của kinh tế Mỹ và châu Âu, hệ thống ngân hàng vẫn trong tình trạng dễ bị tổn thương. Nhiều câu hỏi đối với những hành vi kế toán đáng ngờ của các ngân hàng vẫn bị gác lại; và hệ thống ngân hàng đang sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính hơn, nợ nhiều hơn và có ít vốn tự có hơn là họ thông báo. Việc tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng trong hai năm 2008 và 2009 đã không mang lại hiệu quả tăng trưởng tín dụng như mong muốn, đặc biệt là tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tín dụng giống như thời điểm sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers giờ đây đã thấp hơn nguy cơ nút cổ chai tín dụng sẽ bị duy trì, hoặc thậm chí bị siết chặt hơn nữa.
Nếu các nền kinh tế rơi vào suy thoái, hoặc trì trệ, do việc cắt giảm ngân sách đồng loạt gây ra, gánh nặng của các ngân hàng sẽ thêm chồng chất bởi tình trạng nợ xấu gia tăng. Ngoài ra còn có nguy cơ "lan nhiễm," khi mà cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu sẽ "ngấm dần" vào nền kinh tế thực thông qua hệ thống tài chính.
Có một điểm khác và đáng lo ngại hơn so với cuộc khủng hoảng 2008 là các chính phủ hiện nay ít có khả năng cấp cứu hệ thống ngân hàng so với trước, do khả năng tài chính của họ kém hơn và nguy cơ chính trị đối với các khoản cứu trợ đã trở nên đặc biệt lớn.
Vì vậy, các ngân hàng gặp sóng gió sẽ không còn chỗ để ẩn nấp, bởi các chính phủ đơn giản là không thể hoặc không muốn chìa ra bàn tay giúp đỡ. Khi thị trường đánh hơi được nguy cơ này, khả năng xảy ra khủng hoảng đối với các ngân hàng thậm chí sẽ càng cao./.
Theo TTXVN/Vietnam+