Sau chuỗi ngày tăng điểm khá dài, đêm qua, rạng sáng nay (23.6, giờ VN), thị trường chứng khoán thế giới đã bất ngờ chứng kiến sự tụt giảm của tất cả các chỉ số từ châu Á tới châu Âu và lan sang cả thị trường Mỹ.
Tại Phố Wall (Mỹ), phiên này là phiên thứ hai liên tiếp các chỉ số xóa bỏ thành tích tăng điểm có được trong nửa đầu phiên giao dịch và quay đầu giảm điểm về cuối phiên.
Nguyên nhân chính khiến chứng khoán Mỹ mất điểm trong phiên này là doanh số bán nhà xây sẵn tại Mỹ trong tháng 5 vừa qua đã giảm xuống mức trung bình 5,66 triệu căn/năm (theo báo cáo của Hiệp hội Chuyên viên địa ốc liên bang - NAR), thấp hơn so với mức dự đoán tăng lên 6,12 triệu căn/năm (theo kết quả khảo sát của Bloomberg).
Cổ phiếu của các công ty nhà đất thuộc chỉ số S&P 500 đã giảm khá nhanh sau thông tin trên, chung cuộc để mất 2,3% tổng điểm. Cổ phiếu của Pute Group và D.R. Horton giảm tối thiểu 3%.
Cổ phiếu của các công ty liên đới khác cũng giảm khá nhiều. Cụ thể, cổ phiếu của Alcoa - đại gia ngành nhôm - giảm 3,67%, cổ phiếu Caterpillar - chuyên sản xuất máy xúc, máy ủi và các thiết bị xây dựng - giảm 2,97%, còn Home Depot - hãng bán lẻ các thiết bị gia dụng - cũng giảm tới 2,61% giá trị.
Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn tiếp tục đi xuống do tác động xung quanh vụ tràn dầu trên vịnh Mexico của Tập đoàn dầu mỏ Anh - BP. Cổ phiếu của Transocean, giảm 2,6%; cổ phiếu của Halliburton giảm 3,9%; cổ phiếu Chevron và Exxon Mobil lần lượt giảm 2,3 và 1,9%; cổ phiếu BP tại New York giảm 2,1%.
Tổng kết phiên 22.6, chỉ số S&P 500 giảm mạnh 1,6%, xuống còn 1.095,31 điểm; Dow Jones Industrial để mất 148,89 điểm, tương đương giảm 1,4% so với phiên trước đó, chốt phiên ở mức 10.293,52 điểm. Nasdaq Composite giảm 1,2%, xuống còn 2.261,8 điểm.
Như vậy, sau khi hoàn thành hai tuần tăng điểm mạnh mẽ nhất kể từ tháng 10 năm ngoái, chứng khoán Mỹ đã liên tục đi xuống. Trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến 18.6, chỉ số đánh giá thị trường chứng khoán Mỹ S&P 500 đã giành lại 4,3% tổng số điểm.
Hiện mức điểm trung bình tính trong 200 ngày qua của S&P 500 là 1.111 điểm. Theo các nhà phân tích, việc S&P 500 chốt phiên thấp hơn mức trung bình này là dấu hiệu cho thấy sẽ còn tiếp tục giảm trong một hoặc một vài phiên tới.
Chiều nay (23.6, giờ VN), các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có công bố về lãi suất cơ bản được duy trì trong thời gian tới và những đánh giá về triển vọng của kinh tế Mỹ. Giới đầu tư hi vọng những thông tin này sẽ gây tác động đáng kể tới thị trường chứng khoán.
Tại châu Âu, thông tin doanh số bán nhà ở Mỹ giảm hơn dự đoán trong tháng 5 vừa qua đã khiến chứng khoán khu vực này giảm nhẹ trong phiên 22.6.
Cùng với đó, cổ phiếu của Ngân hàng BNP Paribas, ngân hàng lớn nhất nước Pháp giảm 1,6% sau Fitch Rating, hãng định mức tín dụng có trụ sở tại New York (Mỹ), hạ thấp mức tín dụng, cũng góp phần khiến các chỉ số chứng khoán lùi sâu.
Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực đã giảm 0,5% trong phiên này, khép lại chuỗi 9 phiên tăng điểm liên tiếp vừa qua. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,98%, xuống còn 5.246,98 điểm; CAC 40 của Pháp giảm 0,83%, chốt phiên ở mức 3.705,32 điểm; DAX của Đức giảm nhẹ 0,38%, xuống còn 6.269,04 điểm.
Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 0,55%, PSI General của Bồ Đào Nha giảm 0,37%; Athex Composite của Hy Lạp giảm 1,58%.
Trong phiên giao dịch cùng ngày tại châu Á (kết thúc chiều qua, 22.6, giờ VN), thị trường chứng khoán đã ghi nhận phiên giảm điểm đầu tiên sau 8 ngày tăng liên tiếp của khu vực này. Chỉ số MSCI Asia Pacific giảm 0,9%. Trong chuỗi tăng dài ngày vừa qua, chỉ số này đã tăng tới 8,5% giá trị.
Nguyên nhân chủ yếu khiến chứng khoán châu Á đi xuống là do lo ngại dư âm của khủng hoảng nợ tại châu Âu có thể tác động mạnh và lâu dài tới tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Mới đây nhất, BNP Paribas, ngân hàng lớn nhất nước Pháp đã bị hạ mức tín dụng; nhiều hãng cho vay của Tây Ban Nha cũng cho biết đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 125,12 điểm, tương đương 1,22%, xuống còn 10.112,89 điểm; HSI của Hồng Kông giảm 0,45%, xuống còn 20.819,34 điểm.
Ghi nhận trên một số thị trường khác trong khu vực: KOSPI (Hàn Quốc) và Straits Times (Singapore) lần lượt giảm 0,47 và 0,46%; trong khi đó, thị trường Trung Quốc vẫn duy trì thêm một phiên tăng nữa, chỉ số Shanghai Composite tăng nhẹ 0,1%.
Theo Thanh Niên Online