Cập nhật: 26/06/2010 08:59:33 Article Rating
Xem cỡ chữ

Không đầy 2 tuần nữa, Luật Doanh nghiệp nhà nước chính thức hết hiệu lực. Tuy nhiên ở thời điểm này, vẫn còn khoảng 1.500 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có cả các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước chưa hoàn tất chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Như vậy, áp lực thời gian hiện đang lấn át các kế hoạch tái cơ cấu hay chuyển đổi mạnh mẽ đã đặt ra từ khá lâu ở nhiều doanh nghiệp. Cũng là dễ hiểu bởi những doanh nghiệp “lọt lại” sau thời điểm 1/7/2010 sẽ phải đối mặt với sự chênh vênh về cơ sở pháp lý khi Luật Doanh nghiệp Nhà nước hết hiệu lực, đặc biệt là quyền hạn và trách nhiệm trong quyết định đầu tư của các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi đáng kể, làm tăng rủi ro cho hoạt động doanh nghiệp.

 

Ở thời điểm này, rất khó có thể dự báo trước điều gì. Các chuyên gia về đổi mới doanh nghiệp trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều phát đi thông tin, các bước chuyển đổi đang được tiến hành quyết liệt. Có thể nói, những bước thủ tục hiện đã rất thông thoáng để đoàn đua về đích thuận lợi. Các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc đang thực hiện mà chưa xác định giá trị doanh nghiệp cũng sẽ chuyển sang hình thức công ty TNHH một thành viên và sẽ tiếp tục cổ phần hóa sau năm 2010. Các doanh nghiệp này cũng chưa phải thực hiện xử lý tài chính, tài sản, sắp xếp lại lao động, sử dụng đất đai ngay vào thời gian này…

 

Tuy vậy, cũng không thể tách rời bước chuyển đổi về pháp lý với những kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước.

 

Về nguyên tắc, hiệu quả và kết quả hoạt động của các doanh nghiệp được quyết định bởi cấu trúc thị trường và mức độ cạnh tranh chứ không phải bản thân hình thức sở hữu. Hơn thế, cũng phải kể tới vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong ngành công nghiệp với mức đóng góp khoảng 50% giá trị sản lượng công nghiệp. Như vậy, năng lực cạnh tranh của khu vực này quyết định gần như chi phối năng lực cạnh tranh của ngành, cũng như đóng vai trò quan trọng trong chiến lược cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

 

Xét về mặt lịch sử, doanh nghiệp nhà nước đã và đang đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Việt Nam. Quá trình chuyển đổi và cải cách doanh nghiệp nhà nước không làm thay đổi vị trí này, hơn thế sẽ khẳng định vai trò chủ đạo thông qua tính kỷ luật của thị trường và sự cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo đúng nguyên tắc của thị trường.

 

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cách tiếp cận tập trung vào tạo quy mô kinh tế đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện tại cần phải được cân đối với hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của khu vực này nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong phân bổ nguồn lực của nhà nước. Yêu cầu tách bách triệt để vai trò nhà nước với chức năng chủ sở hữu và vai trò quản lý tiếp tục được đặt ra. Như vậy, bước chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước sau thời điểm 1/7/2010 tới đây chắc sẽ mạnh mẽ và sâu sắc hơn với chiến lược cụ thể, rõ ràng và quyết tâm chính trị cao./.

 

 

 

Theo báo Đầu tư điện tử

Tệp đính kèm