Theo báo cáo mới nhất từ các đoàn công tác chống hạn tại miền trung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho thấy, đã có hơn 100 nghìn ha lúa, rau màu bị hạn, trong đó gần một nửa bị hạn nặng và khoảng 15 nghìn ha lúa hè thu mất trắng.
Nặng nhất là khu vực Bắc Trung Bộ, trong số 250 nghìn ha lúa hè thu vừa gieo cấy, có đến hơn 62 nghìn ha bị hạn, khoảng 15 nghìn ha mất trắng. Ngoài ra, toàn vùng còn có hơn 70 nghìn ha đất lúa mùa thiếu nước chưa thể gieo cấy. Vùng duyên hải Nam Trung Bộ có gần 50 nghìn ha lúa, rau màu bị hạn, trong đó có hơn 25.000 ha lúa. Ðó là chưa kể đến hàng chục nghìn hộ dân ở các đảo, các huyện miền núi đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Theo dự báo, trong một tuần nữa không mưa, vùng Bắc Trung Bộ có thêm khoảng 12 nghìn ha lúa mất trắng, diện tích lúa bị hạn nặng ở Nam Trung Bộ tăng lên 45 nghìn ha. Hiện nay, lượng nước còn lại ở các đập dâng và hồ chứa trong vùng chỉ đủ phục vụ tưới trong 15-20 ngày nữa.
Những ngày qua, hầu hết các địa phương miền trung đã thành lập ban chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp chống hạn rất quyết liệt, nhưng do nắng nóng kéo dài, thời tiết ít mưa, mực nước các sông, suối, hồ chứa đều cạn kiệt. Hơn nữa, tình trạng thiếu điện, cắt điện triền miên cũng làm công tác chống hạn gặp nhiều khó khăn.
Mới đây, Bộ NN và PTNT đề xuất Chính phủ hỗ trợ các tỉnh miền trung, Tây Nguyên 300 tỷ đồng để chống hạn, cứu lúa. Cục Trồng trọt cũng dự báo, nếu không khẩn trương triển khai các giải pháp chống hạn, các tỉnh miền trung sẽ có khoảng 100 nghìn ha lúa mất trắng (tương đương khoảng 400 nghìn tấn thóc). Không chỉ vậy, đời sống của bà con nông dân sẽ vô cùng khó khăn do thiếu lương thực và nước sinh hoạt.
Công việc cấp bách hiện nay là các địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát, khoanh vùng diện tích có khả năng tưới, diện tích phải chuyển đổi cây trồng; huy động mọi phương tiện, nhân lực chống hạn, chú trọng diện tích lúa đã cấy. Hiện nay, khung thời vụ hè thu chỉ còn 10-15 ngày nữa là kết thúc, cần có sự hỗ trợ kinh phí để nông dân mua giống ngắn ngày gieo cấy. Tại những vùng khó khăn về nguồn nước, xa vùng bơm tưới, cần có kế hoạch chuyển vụ hè thu sang vụ lúa mùa. Những diện tích không đủ nước gieo cấy có thể chuyển sang trồng màu hoặc trồng cây vụ thu đông.
Chính quyền và ngành nông nghiệp các địa phương cần chỉ đạo nạo vét kênh mương thủy lợi, quản lý, điều tiết nước tưới tiết kiệm, luân phiên. Những nơi không có nguồn nước cần đào giếng để lấy nước chống hạn. Các địa phương cần ưu tiên cấp nước cho những diện tích lúa đã cấy và nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt quan tâm chống hạn trước tiên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Nhandan Online