Cập nhật: 21/07/2010 16:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giá giảm do sức tiêu thụ kém hay do bị cạnh tranh bởi hàng ngoại nhập ở một số nhóm ngành hàng lại là một nguy cơ.

Chỉ số giá tiêu dùng TP.HCM tháng 7 giảm 0,09% so tháng 6. Giá tiêu dùng cả nước tăng chậm lại trong những tháng gần đây được xem là thành tích của các giải pháp chống lạm phát. Tuy nhiên, giá giảm do sức tiêu thụ kém hay do bị cạnh tranh bởi hàng ngoại nhập ở một số nhóm ngành hàng lại là một nguy cơ.

 

Đây là tháng đầu tiên TP.HCM có chỉ số giá giảm, kể từ đầu năm. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng thấp nhất trong hai tháng qua, với 0,05%. Riêng giá lương thực hạ 0,06%.

 

Tiêu thụ thực phẩm giảm

 

Từ giữa tháng 7.2010, dịch bệnh heo tai xanh bắt đầu lây lan xuống các tỉnh phía Nam. Tình trạng dịch bệnh, cộng với tác động thời tiết nắng nóng kéo dài suốt từ Bắc đến Nam khiến sức tiêu thụ mặt hàng thực phẩm thiết yếu này giảm sút, kéo theo giá giảm.

Số liệu khảo sát của cục Chăn nuôi tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM trong tháng 4, tháng 5 và 6.2010 cho thấy: tại các chợ trong nội thành Hà Nội, do tác động từ dịch bệnh tai xanh khiến sức tiêu thụ thịt heo giảm từ 35 – 40% so với các tháng trước đó.

 

Dịch bệnh tai xanh ở các tỉnh phía Bắc cũng tác động mạnh đến tâm lý người tiêu dùng phía Nam, khiến tiêu thụ giảm từ 10 – 15%, đặc biệt giá cả mặt hàng này sụt giảm khá mạnh do người chăn nuôi bán tống bán tháo đàn heo vì lo sợ dịch bệnh.

 

Nếu như giá heo hơi tại trại trong suốt quý 1 ở các tỉnh miền Trung, miền Đông, miền Tây dao động 36.000 – 37.000 đồng/kg, thì đến cuối tháng 6.2010 giảm còn 32.000 đồng và hiện nay chỉ còn 29.000 – 31.000 đồng/kg. Việc này kéo giá bán giảm theo...

 

Giá mặt hàng lương thực, nhất là gạo, cũng duy trì ở mức khá thấp từ tháng 4 đến nay. Đến ngày 20.7, khảo sát tại thị trường TP.HCM, giá gạo dao động mức khá thấp, từ 6.500 đồng/kg loại thường đến 16.000 đồng/kg gạo. Thị trường gạo thế giới trong quý 2 giảm mạnh về nhu cầu kéo theo giá giảm mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến mặt bằng giá lương thực nội địa đứng ở mức thấp.

 

Hàng tiêu dùng tồn đọng

 

Ông Lương Vạn Vinh, chủ công ty hoá phẩm Mỹ Hảo cho biết: “Từ cuối tháng 4 đến nay doanh thu bán hàng của công ty gần như không tăng so với cùng kỳ năm ngoái, dù chúng tôi không hề tăng giá hay bị áp lực cạnh tranh từ các thương hiệu mới, sản phẩm mới.

 

Đây là điều khiến công ty khá bất ngờ, bởi lẽ mùa hè nóng bức, tiếp theo là mùa mưa là thời điểm bán hàng mạnh nhất trong năm của các doanh nghiệp ngành hoá mỹ phẩm”. Nhiều chủng loại sản phẩm trong nhóm ngành hàng mà ông Vinh đang kinh doanh, có chỉ số tồn kho rất cao tính đến 1.6, theo tổng cục Thống kê.

Những mặt hàng tiêu dùng khác có chỉ số tồn kho khá cao là sản xuất trang phục (trừ quần áo da, lông thú) lên đến 109,4%, giày dép 107,3%, sợi và dệt vải 104,9%.

 

Ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch hội Dệt may thêu đan TP.HCM, đồng thời là phó chủ tịch hội Da giày Việt Nam cho rằng, một trong những yếu tố làm hàng tồn kho tăng chính là do bị cạnh tranh mạnh mẽ từ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan.

Từ tháng 4 đến nay, theo các nhà bán lẻ nhóm hàng công nghệ thông tin, lượng hàng bán trên thị trường chậm hơn mọi năm chừng 30 – 40%. Theo bà Thương, phụ trách ngành hàng máy tính xách tay của Thế Giới Di Động, từ tháng 5 trở lại đây, doanh số của nhóm hàng trên giảm khoảng 30%.

 

Bà T., giám đốc một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu máy tính xách tay và các thiết bị số cho biết, vì hàng tồn nhiều mà tuần nào bà cũng phải có chương trình “sale-off”, nhiều khi lên mức 50% (cho vài mẫu)...

 

 

 

Theo Báo điện tử SGTT

 

Tệp đính kèm