Cập nhật: 26/09/2010 20:37:46 Article Rating
Xem cỡ chữ

Gần một tuần nữa, thông tư 13 sẽ có hiệu lực. Ngân hàng Nhà nước đã trình lên Thủ tướng bản báo cáo về hướng sửa đổi thông tư 13, tuy nhiên đến nay, vẫn còn nhiều quan điểm trái ngược nhau liên quan đến hướng sửa đổi thông tư này.

Trong khi đó các ngân hàng (NH) thương mại cho rằng, nếu không chỉnh sửa sớm những quy định đang gây khó cho NH, thì lộ trình giảm lãi suất sẽ càng khó khăn.

 

Được dùng 15% vốn không kỳ hạn để cho vay

 

Tại cuộc họp giữa Hiệp hội NH và các thành viên phía Nam mới đây, Hiệp hội NH đã thông báo chi tiết hướng sửa đổi thông tư 13 mà NH Nhà nước trình lên Chính phủ. Theo đó, khái niệm nguồn vốn huy động sẽ được chỉnh sửa theo hướng mở rộng hơn: thay vì loại tiền gửi không kỳ hạn đưa ra khỏi nguồn vốn huy động, tới đây, các tổ chức tín dụng sẽ dùng 15% tiền gửi không kỳ hạn bổ sung để cho vay.

Tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các tổ chức tín dụng cũng được tính vào nguồn vốn huy động. Đồng thời, các khoản vay của các tổ chức tín dụng có kỳ hạn ba tháng trở lên cũng được tính là nguồn vốn huy động có thể cho vay. NH Nhà nước cũng loại phần bảo lãnh trái phiếu khỏi dư nợ.

Quy định tăng hệ số an toàn vốn (CAR) từ 8% lên 9% vẫn giữ nguyên. NH thương mại vẫn không được cho vay quá 80% vốn huy động và hệ số rủi ro tối đa với cho vay bất động sản và chứng khoán vẫn giữ ở 250%.

 

Thời hạn áp dụng thông tư 13 vẫn là 1-10.

 

Theo các NH, hướng điều chỉnh trên trước mắt sẽ giảm áp lực phải tăng huy động của các NH. Nguồn vốn huy động cũng được tăng lên do được bổ sung một phần tiền gửi không kỳ hạn cũng như tiền gửi kho bạc. Đồng thời, dư nợ được giảm do loại đi phần bảo lãnh trái phiếu.

Lãnh đạo một NH cổ phần tính toán, các quy định trên sẽ giúp giảm bớt tỉ lệ cho vay trên huy động. Với các NH quốc doanh có nguồn tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức và tiền gửi kho bạc lớn, hướng sửa sắp tới của NH Nhà nước sẽ giúp tỉ lệ cho vay trên huy động về gần hơn với quy định 80% của thông tư 13.

 

“Mở cửa” liên NH, lãi suất huy động sẽ giảm

 

Theo các NH, điểm đáng chú ý nhất có liên quan trực tiếp đến giảm lãi suất huy động là quy định “các khoản vay của các tổ chức tín dụng có kỳ hạn ba tháng trở lên, được tính là nguồn vốn huy động có thể cho vay”.

 

Tổng giám đốc một NH cổ phần nhỏ cho biết, với quy định này, có thể ngầm hiểu các NH không còn bị khống chế bởi quy định không được sử dụng quá 20% vốn từ thị trường liên NH để làm vốn tín dụng, miễn khoản vay có kỳ hạn trên ba tháng. Hiện nay, do bị hạn chế sử dụng vốn liên NH để cho vay nên các NH phải đi đường vòng: NH thừa vốn muốn cho NH nhỏ vay phải nhờ cá nhân hoặc công ty con đứng tên đem tiền đến gửi tại các NH nhỏ với lãi suất cao ngang ngửa lãi suất huy động dân cư. Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên NH hiện nay chỉ xoay quanh 9%, tức thấp hơn 2 - 3%/năm so với lãi suất huy động từ dân cư nhưng NH thiếu vốn không tiếp cận được.

 

Do vậy, tới đây, khi quy định sử dụng vốn liên NH được tháo gỡ, các NH sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn rẻ, mở đường cho việc giảm lãi suất huy động, cho vay.

 

Tại cuộc họp vừa qua, giữa Hiệp hội NH và các thành viên, nhiều NH đã thống nhất, nếu tới đây, NH Nhà nước chỉnh sửa quy định sử dụng vốn liên NH để cho vay, các NH sẽ đồng loạt giảm lãi suất huy động xuống 11%/năm, lộ trình giảm lãi suất huy động sớm nhất là 1 - 10. Trong trường hợp NH Nhà nước chậm chỉnh sửa quy định này, lộ trình giảm lãi suất huy động được dời đến 15-10.

 

Vẫn chưa hết khó

 

Theo tổng giám đốc một NH quốc doanh, NH có nguồn tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức rất lớn, chiếm đến gần 20% vốn huy động, tương đương vài chục nghìn tỉ đồng. Do vậy nếu chỉ cho phép dùng 15% tiền gửi không kỳ hạn để làm vốn cho vay thì NH chỉ sử dụng được khoảng vài nghìn tỉ đồng.

 

Theo tổng giám đốc này, dù là nguồn vốn không kỳ hạn nhưng thực tế nguồn tiền này khá ổn định, lãi suất lại rẻ, do vậy, giúp NH giảm chi phí vốn, qua đó hạ được lãi suất cho vay. Ông kiến nghị NH Nhà nước nên nâng tỉ lệ sử dụng vốn không kỳ hạn để cho vay lên 25 - 30%, tạo điều kiện cho các NH giảm mặt bằng lãi suất.

Đến nay, thời hạn áp dụng thông tư 13 đã gần kề, do vậy, theo các NH, khó kỳ vọng NH Nhà nước sẽ chỉnh sửa theo như mong đợi. Nhiều NH đã chuẩn bị sẵn các phương án đối phó: thỏa thuận với doanh nghiệp chuyển tiền gửi không kỳ hạn sang gửi kỳ hạn một ngày hoặc một tuần, biến vốn ngắn hạn thành dài hạn thông qua các sản phẩm tiền gửi rút vốn linh hoạt.

 

Về quy định hệ số rủi ro tối đa là 250% với cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán, đến nay các NH cho biết mới hạn chế cho vay chứng khoán, còn các khoản cho vay bất động sản đều được hạch toán là cho vay tiêu dùng để trích dự phòng rủi ro thấp hơn.

 

Nhiều NH cũng nghĩ ra cách lách để giảm hệ số rủi ro xuống 50% thay vì phải áp dụng mức 100% khi doanh nghiệp vay vốn thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba.

 

Tỉ lệ an toàn vốn cao hơn chuẩn quốc tế

 

Theo ông Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia, quy định cứng nhắc của cơ quan quản lý đang dẫn đến những biến tướng trên thị trường tiền tệ. Không những thế NH còn bắt tay với khách hàng để cùng “qua mặt” cơ quan quản lý. Từ đó dẫn đến sai lệch trong các kết quả báo cáo, thống kê.

Chính sách điều hành cũng khó chuẩn xác do dựa trên những thông tin thống kê thiếu minh bạch. Công tác giám sát, quản lý ngành NH ngày càng khó khăn hơn.

 

Việc áp dụng các quy định về các tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng là cần thiết nhưng phải phù hợp với điều kiện của các tổ chức tín dụng trong nước.

 

Trong khi đó, những tỉ lệ an toàn vốn trong thông tư 13 còn cao hơn cả chuẩn quốc tế Basel III vừa đưa ra ngày 12-9. Do đó, tới đây, Ủy ban Giám sát tài chính sẽ có ý kiến trình Thủ tướng về sửa đổi thông tư 13 theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

 

 

 

Theo A Hồng - Tuổi Trẻ Online

Tệp đính kèm