Giá vàng thế giới đã tăng khoảng 54% trong vòng hai năm qua. Trong phiên giao dịch ngày 11/10, giá vàng giao tháng 11/2010 tại thị trường New York đã lên tới mức cao lịch sử 1.353,50 USD/ounce.
Trong khi một số nhà quan sát dự báo giá vàng có thể lên 1.500 USD/ounce vào cuối năm nay, một số khác cảnh báo đã xuất hiện bong bóng trên thị trường vàng.
Vàng luôn là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong thời kỳ kinh tế bất ổn, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi giá kim loại quý này đã tăng mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.
Tuy nhiên, biểu đồ giá vàng đã đi lên từ trước đó rất lâu. Năm 1999, Bộ Tài chính Anh đã có một quyết định sai lầm khi bán ra một nửa số vàng dự trữ của nước này với mức giá trung bình 248 USD/ounce. So với thời điểm đó, giá vàng đã tăng hơn 430%.
Theo Giám đốc điều hành Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Marcus Grubb, lo ngại về tương lai của nền kinh tế thế giới là động lực chính đẩy giá vàng lên cao, cộng thêm tình trạng nợ công của các quốc gia, trào lưu phá giá tiền tệ (nhất là khi đồng USD yếu đi) và nỗi lo suy thoái kép đè nặng lên các thị trường đầu tư khác.
Ông Grubb cho biết các nhà đầu tư đang kháo nhau rằng Mỹ (và có thể cả Anh) sắp triển khai một đợt nới lỏng tiền tệ mới, bằng cách bơm thêm tiền vào nền kinh tế nhằm ngăn chặn nguy cơ giảm phát, qua đó thổi bùng lên nguy cơ lạm phát.
Cùng với các động thái nới lỏng chính sách tiền tệ, sự bất ổn trên thị trường hối đoái toàn cầu cũng là một động lực đẩy giá vàng.
Tuần trước Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc “chiến tranh tiền tệ” do các nước đồng loạt tìm cách ghìm giữ tỷ giá để thúc đẩy kinh tế trong nước.
Trước đó Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega cũng tuyên bố một “cuộc chiến tỷ giá” đang đe dọa hệ thống tài chính toàn cầu.
Một yếu tố nữa là đồng tiền của các nền kinh tế phát triển đang bị mất uy tín nghiêm trọng do nợ chính phủ đang ở mức cao kỷ lục. Một số nhà bình luận bi quan dự đoán đồng USD có thể mất giá 20% trong vòng hai năm tới. Bức tranh này có thể còn tồi tệ hơn đối với một số quốc gia châu Âu như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.
Trong khi Mỹ và Anh bơm tiền vào hệ thống nhằm đưa nền kinh tế ra khỏi suy thoái thì Trung Quốc tìm cách khống chế giá đồng nhân dân tệ nhằm đảm bảo các sản phẩm do nước này sản xuất bán chạy ở các thị trường bên ngoài.
Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thừa nhận đồng nhân dân tệ nếu tăng giá 20% có thể gây bất ổn xã hội nước này.
Nhiều chuyên gia không tin xu thế tăng giá vàng sẽ được duy trì. Tỷ phú George Soros, người được mệnh danh là “thầy phù thủy” trên thị trường tiền tệ cho rằng đã xuất hiện bong bóng trên thị trường vàng. Ông nói: “Có thể vàng còn lên giá nữa nhưng chắc chắn nó không an toàn và không thể bền vững mãi mãi.”
Một nhà đầu tư bậc thầy khác trên thị trường chứng khoán, tỷ phú Warren Buffett , cũng nghi ngờ về triển vọng giá vàng. Ông cho biết thứ kim loại này sẽ không phải là điểm hấp dẫn đối với nguồn vốn đầu tư của ông.
Tuy nhiên, chuyên gia John Paulson - một nhà quản lý quỹ đầu tư đã kiếm 4 tỷ USD từ thị trường bất động sản Mỹ trước khi nó lụn bại trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua - lại rất có niềm tin. Khoảng 80% tài sản của ông đang đổ vào vàng hoặc các cổ phiếu được định giá bằng vàng.
Ông cũng là một nhà đầu tư lớn vào các công ty khai thác vàng, với 12% cổ phần nằm trong tập đoàn AngloGold Ashanti và đa số phần trong Kinross Gold.
Nhà tỷ phú này dự báo giá vàng có thể lên đến 2.400 USD/ounce sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tung ra một đợt nới lỏng tiền tệ mới, và có thể lên đến 4.000 USD/ounce một khi các nhà đầu tư hoảng loạn.
Những lý do mà Paulson đưa ra bao gồm lạm phát hai con số vào năm 2012 sẽ giết chết thị trường trái phiếu, làm hồi sinh thị trường cổ phiếu và vàng; tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ hạn chế năm 2011 và 2012; thị trường nhà đất Mỹ èo uột; xung đột trên thị trường tiền tệ; và đồng USD tiếp tục yếu do Washington tìm cách xử lý cuộc khủng hoảng nợ chính phủ.
Chuyên gia Joel Kruger tại công ty phân tích thị trường tiền tệ Daily FX cũng là một trong những người không khuyến khích mua vàng vào thời điểm này. Ông lưu ý thêm, vàng không tạo thêm lãi suất, thu nhập hoặc cổ tức, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư hoàn toàn phải trông chờ vào sự lên giá của nó.
Tuy nhiên, những lời khuyến cáo trên đây không ngăn chặn được làn sóng chạy theo vàng. Công ty kinh doanh vàng Baird & Co có trụ sở tại London cho biết doanh số của họ trong năm 2009 tăng gấp đôi lên hơn 300 triệu bảng và đến cuối tháng trước họ đã đạt mức doanh thu này.
Một giám đốc của Baird&Co nói: “Các thỏi vàng có trọng lượng từ 100-1.000g rất được ưa chuộng, nhưng hiện tại có nhiều khách hàng đã đặt cả những thỏi lớn hơn nữa.
”Tập đoàn đầu tư tài chính UBS đang khuyên các khách hàng cao cấp giữ 7-10% tài sản bằng vàng. Giám đốc Josef Stadler cho biết: “Nỗi lo nguy cơ suy thoái kép đang thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào vàng và cổ phiếu của các công ty khai thác vàng.”
Không chỉ các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nhỏ lẻ, các ngân hàng trung ương, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Arập Xêút, cũng đóng góp động lực thúc đẩy giá vàng bằng cách tăng cường dự trữ mặt hàng này.
Trong nhiều năm liền, các ngân hàng trung ương liên tục bán vàng ra với lý do giữ trái phiếu chính phủ mang lại nhiều lợi nhuận hơn, ít nhất nó cho lãi suất ổn định.
Triết lý này hiện đã thay đổi hoàn toàn. Cuộc khủng hoảng nợ quốc gia, sự suy yếu của đồng USD và cuộc chiến tranh tiền tệ ngày càng khẳng định quan điểm “vàng là vật tích trữ giá trị về lâu dài.”
Các chuyên gia cho rằng các ngân hàng trung ương ở châu Á sẽ tiếp tục là những khách hàng chủ yếu trên thị trường vàng, không chỉ bởi họ muốn tránh xa đồng USD xuống giá mà còn vì vàng có giá trị thực chất.
Các nước như Brazil và Trung Quốc hiện mới có 5% dự trữ ngoại tệ bằng vàng, so với khoảng 50% ở châu Âu.
Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương sẽ không thể tạo ra một cú sốc về cầu trên thị trường, do nguồn cung vàng vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn, chỉ có 1,7% dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc là bằng vàng. Để tăng tỷ lệ này lên 15%, Bắc Kinh cần nhập thêm 8.000 tấn, tương đương 110% tổng sản lượng vàng toàn cầu năm ngoái. Vì vậy, chiến lược tăng dự trữ vàng của Trung Quốc sẽ buộc phải diễn ra từ từ.
Một số chuyên gia cảnh báo giá vàng có thể rớt mạnh nếu nền kinh tế toàn cầu tiếp tục hồi phục vững và thị trường tài chính ổn định. Tuy nhiên, viễn cảnh đó vẫn còn khá xa và xu hướng lên giá của vàng sẽ vẫn chiếm ưu thế, ít nhất là thời điểm hiện nay./.
Theo TTXVN/Vietnam+