Cập nhật: 26/10/2010 16:41:16 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thị trường hàng hóa, giá cả thường có xu hướng biến động mạnh về cuối năm. Vì vậy, ngay từ thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp lớn sớm chủ động các giải pháp bình ổn thị trường cuối năm.

Đảm bảo cân đối cung cầu

 

Từ đầu năm đến nay, theo đánh giá của Bộ Công thương, nguồn cung hàng hóa luôn được bảo đảm, không có hiện tượng thiếu hàng ở tất cả các nhóm hàng thiết yếu.

 

Thông qua hoạt động Tổ Điều hành thị trường trong nước, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty theo dõi, phân tích, đánh giá, dự báo cung cầu, giá cả các mặt hàng trọng yếu trên thị trường.

 

Theo tổng hợp từ các bộ, ngành, cân đối nguồn cung 12 mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, đường, muối, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thép xây dựng, ximăng, giấy, xăng dầu, than, thuốc chữa bệnh) cho ba tháng cuối năm và tháng Tết Nguyên đán 2011 đã được bảo đảm, hàng hóa không thiếu.

 

Có ý kiến cho rằng, dịch tai xanh xảy ra ở nhiều địa phương có thể gây thiếu thịt lợn. Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng đàn lợn giảm nhưng sản lượng thịt hơi xuất chuồng không giảm nên nếu có thiếu thịt lợn thì chỉ thiếu cục bộ ở một số địa phương. Hiện nay, các địa phương chịu tác động của dịch bệnh đã chú trọng vào việc phục hồi đàn lợn.

 

Trong mùa xây dựng cuối năm, nhu cầu về các mặt hàng ximăng, sắt thép... thường tăng cao. Nhưng Tổng công ty Thép và xi măng cũng khẳng định sẽ đảm bảo đủ nguồn hàng.

 

Đối với mặt hàng ximăng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam còn cho biết, mỗi năm sản lượng ximăng đều tăng 10% nên đáp ứng đủ nhu cầu, thậm chí năm nay lần đầu tiên đã xuất khẩu được 400.000 tấn ximăng...

 

Mặc dù nguồn cung hàng hóa không thiếu nhưng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương lưu ý, nếu hệ thống phân phối phải qua nhiều tầng nấc sẽ làm giá hàng hóa bị đẩy lên khi đến tay người tiêu dùng. Vì thế, các ngành hàng cần chú trọng đầu tư phát triển mạng lưới lưu thông. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn kinh doanh các mặt hàng thiết yếu cũng cần chủ động dự trữ hàng hóa cho những tháng cao điểm.

 

Không để sốt giá

 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 10 đã tăng 1,05% so với tháng Chín và tăng 9,66% so với tháng 10 năm 2009, đưa CPI 10 tháng qua tăng 7,58% so với tháng 12/2009 và tăng 8,75% so với bình quân 10 tháng năm 2009. Với mức tăng giá này, việc kiềm chế giá tiêu dùng những tháng cuối năm càng trở nên cấp bách.

 

Vụ trưởng Vụ Giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng cho rằng, trong tháng 10, một số tỉnh trong nhóm 20 tỉnh chưa tăng học phí đồng loạt điều chỉnh mức học phí ở nhiều cấp, đã đóng góp khoảng 0,25% vào mức tăng chung CPI cả nước.

 

Bên cạnh đó, do giá gạo xuất khẩu thế giới tiếp tục tăng mạnh (nguồn cung lương thực giảm) trong khi tại các tỉnh phía Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường thu mua lúa gạo để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu nên giá gạo trong nước bị "đẩy" tăng rõ rệt.

 

Mặt khác, giá một loạt các mặt hàng thiết yếu như khí hóa lỏng LPG, vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh, sữa tiếp tục “điệp khúc”' tăng giá đã “kéo”' CPI tháng 10 tăng mạnh. Đặc biệt, do ảnh hưởng nặng nề của các đợt thiên tai, lũ lụt ở các tỉnh miền Trung, giá lương thực, thực phẩm… đã bị tăng “đột biến” bởi nguồn cung bị giảm mạnh.

 

Một số chuyên gia kinh tế còn cho rằng, ngoài các yếu tố bất lợi tác động kép đẩy CPI tháng 10 tăng như Tổng cục Thống kê nhận định, chính sách lãi suất và chính sách tỷ giá giữa USD và đồng Việt Nam hiện nay tiếp tục tạo “sức ép”' bất lợi khiến giá cả nhiều nguyên nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất và các hàng hóa thiết yếu nhập khẩu phục vụ tiêu dùng như sữa, thuốc… tăng mạnh.

 

Thị trường cuối năm theo quy luật còn tiềm ẩn nhiều yếu tố tăng giá. Để kiềm chế giá cả, Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương tổ chức theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trong nước và thế giới, đề xuất kịp thời các biện pháp bình ổn giá, nhất là với những mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, trong dịp lễ, Tết sắp tới.

 

Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ không điều chỉnh giá điện và giá than bán cho điện đến hết năm 2010. Cố gắng giữ ổn định giá nước sạch, cước vận chuyển hành khách bằng xe buýt... Đồng thời, áp dụng linh hoạt các biện pháp bình ổn giá khi thị trường có biến động bất thường, nhất là đối với giá xăng dầu, giãn cách thời gian điều chỉnh tăng giá theo đúng quy định, sử dụng hiệu quả và linh hoạt công cụ thuế...

 

Bộ Tài chính cũng đang chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát, thậm chí thanh tra việc đăng ký giá, niêm yết giá. Những mặt hàng phải đăng ký giá thì phải báo cáo việc hình thành giá đó như thế nào, qua đó nếu phát hiện trường hợp tăng giá bất hợp lý sẽ xử lý.

 

Lực lượng quản lý thị trường sẽ xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường./.

 

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Tệp đính kèm