Cập nhật: 27/10/2010 16:29:35 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng ước đạt 57,8 tỷ USD. Hai tháng cuối năm, xuất khẩu tiếp tục diễn biến thuận lợi, giúp cho kết quả cả năm có thể đạt mức 70 tỷ USD.

 

Tại buổi giao ban xuất nhập khẩu sáng 26/10, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, tình hình xuất khẩu tháng 10 và trong cả 10 tháng năm 2010 diễn biến theo chiều hướng tích cực, các yếu tố thuận lợi về giá tiếp tục được duy trì. Một số mặt hàng đang có thuận lợi lớn về thị trường và đơn hàng xuất khẩu như dệt may, đồ gỗ…

 

Xuất khẩu thuận lợi

 

So với cùng kỳ năm 2009, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 6,25 tỷ USD, tăng 23,2%; kim ngạch xuất khẩu 10 tháng ước đạt 57,8 tỷ USD, tăng 23,3%. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 31 tỷ USD, tăng 25,85%; xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước đạt 26,8 tỷ USD, tăng 20,4%.

 

Hầu hết các mặt hàng nông sản đều có kim ngạch tăng trưởng dương (ước đạt gần 12 tỷ USD, tăng 18%), trong đó tăng mạnh là cao su tăng 94,4%, nhân điều tăng 29,5%, hạt tiêu tăng 23%. Nhóm hàng công nghiệp chế biến có sự tăng trưởng mạnh nhất, ước đạt 39,42% tỷ USD, tăng 33,9%. Tất cả các mặt hàng trong nhóm đều đạt mức tăng trưởng dương về kim ngạch, trong đó tăng mạnh là hóa chất tăng 188%, sắt thép các loại tăng 190%, sản phẩm từ cao su tăng 80,8%.

 

Ông Phạm Văn Bảy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết: Giá lúa thời điểm này đang biến động theo đà có lợi cho bà con nông dân, khoảng 5.600 – 5.700 đồng/kg lúa, gạo nguyên liệu khoảng 7.450 – 7.500 đồng/kg. Thời điểm này, Hiệp hội cũng khuyến cáo doanh nghiệp không nên ký các hợp đồng giá thấp để tập trung cho những hợp đồng giá cao, đặc biệt là những hợp đồng tập trung.

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Biên cũng cho biết, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tiếp tục giảm so với cùng kỳ, ước đạt kim ngạch 6,362 tỷ USD, giảm 12,6%, chủ yếu do lượng xuất khẩu các mặt hàng trong nhóm giảm như lượng dầu thô giảm 44,3%, than đá giảm 22,1%, xăng dầu giảm 7,9%...

 

Xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2010 tăng trưởng 23,3%, vượt 17,3% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra, góp phần vào tăng trưởng GDP cả nước. Bình quân mỗi tháng xuất khẩu 5,78 tỷ USD, cao hơn mức bình quân kế hoạch (kế hoạch năm 60,5 tỷ USD, bình quân 5,04 tỷ USD/tháng). Xuất khẩu của khu vực FDI đã có sự tăng trưởng mạnh, tăng 25,8% (nếu không tính dầu thô tăng 39,9%). Khu vực doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong việc tạo giá trị xuất khẩu, tỷ trọng xuất khẩu FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng lên.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, trong hai tháng cuối năm, xuất khẩu tiếp tục diễn biến thuận lợi. Nhiều khả năng xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 70 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2009. “Để đạt được kỳ vọng này của Chính phủ, bình quân xuất khẩu 2 tháng cuối năm sẽ phải đạt khoảng 6,1 tỷ USD/tháng”.

 

Nhập siêu đã giảm tốc

 

Nhập siêu tháng 10 ở mức 1,1 tỷ USD, bằng 17,6% kim ngạch xuất khẩu. Tổng nhập siêu 10 tháng là 9,502 tỷ USD, bằng 16,45% kim ngạch xuất khẩu.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên đánh giá, trong khi 8 tháng trước tốc độ tăng trưởng nhập khẩu luôn cao hơn xuất khẩu thì từ tháng 9 đến nay, xu hướng này đã ngược lại. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu trong 10 tháng tiếp tục thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (xuất khẩu tăng 23,3%, nhập khẩu tăng 20,7%). Do xuất khẩu tăng mạnh và nhập khẩu chững lại kể từ tháng 4/2010, tỷ lệ nhập siêu/ xuất khẩu cũng đã giảm dần qua các tháng, cụ thể: 4 tháng đầu năm, tỷ lệ này là 23,4%, 5 tháng là 21,2%, 6 tháng là 19,38%, 7 tháng là 18,8%, 8 tháng là 16,6%, 9 tháng là 16,31% và 10 tháng là 16,45%.

 

Theo phân tích, nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh hơn nhiều so với nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước, cụ thể tương quan này là 41,2% (FDI) và  8,7% trong nước.

 

Với nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu (hàng tiêu dùng, ô tô từ 9 chỗ trở xuống, xe máy) trong 10 tháng qua chỉ tăng 14,6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng nhập khẩu chung 10 tháng là 20,7%.

 

Còn đó nỗi lo về vốn

 

Thực tế, qui mô sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, khi gặp những đơn hàng lớn thì khả năng cạnh tranh chưa cao. Khi kinh tế hồi phục, thị trường nước ngoài có nhu cầu mua hàng nhiều thì chúng ta khó khăn về nguyên liệu đầu vào. 

 

Theo ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương): “Nếu chúng ta có nguyên liệu đầu vào thì khả năng tăng trưởng xuất khẩu còn cao hơn nữa”.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tăng trưởng tín dụng 9 tháng là 19,5% (bình quân mỗi tháng tăng khoảng 2,3%) quí 1 khoảng 1,8%, quí 2 và 3 khoảng 2,5%.

 

Ông Phan Văn Chinh phân tích: “Nếu theo mục tiêu biên độ đặt ra cho tăng trưởng tín dụng năm 2010 là 25% thì quí còn lại chúng ta chỉ còn 5,5%. Trong khi đó, những tháng cuối năm nhu cầu vốn của doanh nghiệp gấp đôi, thậm chí gấp 3 để chuẩn bị hoàn thành kế hoạch và quay vòng dự trữ cho năm tiếp theo. Nếu hạn mức tín dụng tăng trưởng còn lại như vậy thì mỗi tháng chỉ còn khoảng 1,83%, thấp hơn quí 2 và 3. Như vậy, liệu có xảy ra tình trạng thiếu vốn hay không?”.

 

Theo ông Chinh, giải pháp có thể vẫn là 5,5% tăng trưởng tín dụng nhưng Ngân hàng cần cân nhắc cơ cấu vốn cho sản xuất, xuất khẩu tăng lên cao hơn so với vốn cho bất động sản, tiêu dùng và một số lĩnh vực khác. Nếu không cân đối thì các doanh nghiệp như dệt may, thuỷ sản dù đã có đơn hàng rồi sẽ rơi vào tình trạng thiếu vốn, thiếu nguyên liệu…

 

Tại buổi giao ban, các Bộ, ngành liên quan còn tập trung giải quyết một số vướng mắc như tình hình tắc nghẽn tại cảng Hải Phòng, việc thu một số phí, lệ phí bất hợp lý…/.

 

 

                Theo vovnews.vn

Tệp đính kèm