Cập nhật: 06/11/2010 10:25:46 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trao đổi với VOVNews, ông Lê Văn Đạo – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: 10 tháng, dệt may đã đạt kim ngạch bằng cả năm 2009. “Chúng tôi chắc chắn và có thể vượt khoảng 20% so với mục tiêu 10,5 tỷ USD” – ông Đạo nói.

Theo ông Đạo, đạt được kết quả này là do các nước nhập khẩu đang phục hồi kinh tế - tài chính sau khủng hoảng năm 2009. Tiêu dùng tại các thị trường này tăng, đặc biệt là Hoa Kỳ, riêng châu Âu mới bắt đầu tăng trưởng từ tháng 7/2010.

 

Ngoài ra, trong năm qua các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không đầu tư mới nhiều, không tăng nhiều lao động nhưng mức tăng trưởng lại cao. Bởi các doanh nghiệp bắt đầu nhận chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất lao động.

 

Nhiều khách hàng không phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc như trước đây. Đây chính là nguyên nhân khiến đơn đặt hàng ở Việt Nam nhiều hơn. Đến hết tháng 12/2010, hầu hết các nhà máy đều đầy đơn hàng, thậm chí còn có cả đơn hàng sang năm 2011. Tiêu dùng dệt may trên thế giới đang tăng lên vì thế cơ hội để Việt Nam xuất khẩu sẽ cao hơn nữa.

 

PV: Nhiều đơn hàng giá rẻ của Trung Quốc đã được đưa sang Việt Nam. Điều này có phải chúng ta đang tập trung sản xuất hàng giá rẻ, thưa ông?

 

Ông Lê Văn Đạo: Đương nhiên không phải chỉ có đơn hàng giá rẻ chuyển sang Việt Nam. Bởi chúng ta hoàn toàn có quyền lựa chọn đơn hàng. Hàng xuất khẩu của Việt Nam đều có thương hiệu, ít nhất đó là thương hiệu của siêu thị tiêu thụ mặt hàng đó. Chúng ta hiện nay đang sản xuất trong khuôn khổ những đơn hàng có hệ thống siêu thị ở châu Âu và kể cả châu Mỹ cũng vậy. Đó là những mặt hàng có giá trung bình. Đối với thị trường Liên minh châu Âu thì tiêu dùng mặt hàng giá rẻ chỉ chiếm 10%, còn hàng trên trung bình chiếm trên 85%.

 

PV: Dệt may Việt Nam đã có chiến lược phát triển đến 2015 và tầm nhìn 2020. Vậy để đạt được các mục tiêu trong chiến lược, năm 2011 ngành sẽ phải đạt mức tăng trưởng như thế nào, thưa ông?

 

Ông Lê Văn Đạo: Để đạt mục tiêu đến 2015 phải đạt 18 tỷ USD xuất khẩu thì trong năm 2011, ngành phải đạt mức tăng trưởng 20-30%. Đây là một mục tiêu lớn và trách nhiệm nặng nề cho ngành dệt may.

 

Năm 2011, dệt may Việt Nam sẽ phải đương đầu với nhiều đối thủ lớn như Trung Quốc. Bên cạnh đó còn phải cạnh tranh với những thị trường tự do mà Việt Nam không tham gia.

 

PV: Ngoài các khó khăn nêu trên, ngành dệt may còn phải đối mặt với những thách thức nào, thưa ông?

 

Ông Lê Văn Đạo: Điểm yếu nhất của dệt may Việt Nam là nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu và yếu (VD: thiết kế, marketting, quản trị doanh nghiệp…). Ngành đã có chương trình đào tạo cho từng thời kỳ nhưng cái chính vẫn là từng doanh nghiệp phải tự đào tạo đội ngũ thông qua việc tuyển chọn từ các trường, học thực tế và nâng cao năng lực.

 

Thứ nữa, bài toán nguyên liệu cho ngành may là vấn đề cực khó. Ví dụ, bông là đầu vào chính của dệt may mà chúng ta phải nhập gần như 100%. Các nguyên liệu khác thì chúng ta mới sản xuất được một phần. Nhiều khách hàng lại chỉ định nguồn nguyên liệu nhập.

 

 

PV: Thị trường thời trang nội địa dường như chưa được ngành dệt may quan tâm đúng mức. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

 

Ông Lê Văn Đạo: Nhiều doanh nghiệp lớn hiện vẫn sản xuất “2 chân”, tất nhiên chú trọng vào xuất khẩu. Với nhiều doanh nghiệp, thị trường nội địa vẫn chiếm một phần tương đối (như Việt Tiến, Nhà Bè…). Hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục theo hướng vừa làm xuất khẩu vừa sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước.

 

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đã mở 56 siêu thị ở 24 tỉnh thành, chưa kể đến hệ thống cửa hàng của các doanh nghiệp. Nếu gặp vấn đề khủng hoảng thị trường như năm 2009 thì doanh nghiệp sẽ có được chỗ dựa vào thị trường nội địa. Mục tiêu của ngành dệt may phần lớn vẫn là phục vụ xuất khẩu. Phần nội địa còn có những doanh nghiệp nhỏ tham gia.

 

PV: Xin cảm ơn ông!/.

 

Theo vovnews.vn.

Tệp đính kèm