Giá vàng thế giới sáng nay (8/11) đã vọt lên mức cao kỷ lục trong 30 năm, khi các nhà đầu tư lo sợ trước việc đồng USD yếu đi và giá dầu tăng cao. Tuy nhiên, chưa đầy 1 giờ sau, giá vàng lại quay đầu giảm mạnh.
Sáng nay, tại thị trường châu Á, giá vàng giao ngay có lúc đã tăng 0,4% lên 1.398,6 USD/ounce khi đồng USD giảm 0,4% so với đồng euro. Nỗi lo sợ về việc tiền tệ mất giá đã khiến các nhà đầu tư chuyển hướng sang các hàng hoá như vàng và dầu. Giá các kim loại quý khác như bạc, platin cũng tăng mạnh trong sáng nay.
Tuy nhiên, đến gần trưa, áp lực bán ra chốt lời cùng với việc giá USD tăng đã đẩy vàng giảm 0,34% xuống mức 1.389 USD/ounce.
Hiện tại, giá vàng giao tháng 12 tại sàn Comex ở New York cũng giảm tới 7,4 USD, tương đương 0,54% xuống còn 1.390,3 USD/ounce. Cuối tuần trước, giá vàng kỳ hạn này đã có lúc chạm mức kỷ lục 1.398,7 USD/ounce.
Mặc dù vàng vẫn được hỗ trợ bởi xu hướng yếu đi của đồng USD nhưng cũng đang gặp phải lực cản bởi động thái bán chốt lời các nhà đầu tư và tổ chức. Cuối tuần trước, quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã bán ra 0,423 tấn vàng, giảm lượng vàng nắm giữ xuống còn 1.291,766 tấn.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, giá vàng của các thương hiệu lớn đến gần trưa vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm giá. Giá vàng SJC Hà Nội lúc 11 giờ trưa nay niêm yết ở mức 35,220 – 35,300 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), không đổi so với giá cuối tuần trước. Giá vàng tại cửa hàng Bảo Tín – Minh Châu cùng giờ giao dịch ở mức tương tự 35,200 – 35,300 triệu đồng/lượng.
Trong cuộc họp báo cuối tuần qua, Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia đã công bố một con số khiến nhiều người giật mình. Đó là việc lượng vàng tích trữ trong dân tại Việt Nam lên tới 1.000 tấn, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ năm thế giới về dự trữ vàng. Việc người dân Việt Nam có xu hướng thích đầu cơ tích trữ vàng đã khiến giá vàng trong nước nhiều thời điểm không theo sát giá vàng thế giới mà bị giới đầu cơ thao túng, tạo sức ép cung cầu và làm ảnh hưởng lớn đến thị trường tiền tệ trong nước.
Theo VnMedia