Cập nhật: 04/12/2010 10:28:24 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những ngày gần đây, giá USD trên thị trường tự do đang giao dịch phổ biến ở mức 21.400 đồng/USD. Nghĩa là cao hơn tỷ giá chính thức tại các NHTM đến gần 2.000 đồng/USD. Nói cách khác, khoảng chênh lệch này đã lên đến hơn 10%.   

Điều đáng nói là các ngân hàng niêm yết tỷ giá một đằng, nhưng thực chất doanh nghiệp đến ngân hàng vẫn phải mua ngoại tệ một nẻo tại mức giá cao như trên thị trường tự do. Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, các ngân hàng đang nghĩ ra nhiều chiêu giúp chính mình và doanh nghiệp hạch toán số tiền chêch lệch giữa tỷ giá niêm yết và tỷ giá thực tế. Vô hình chung, điều này đã tạo ra một hệ lụy đáng lo ngại là thị trường chính thức đang tiếp tay cho thị trường tự do phát triển.          

 

Chứng từ mua USD nhập khẩu của Tập đoàn Việt Á với một ngân hàng, để thanh toán khoản tiền gần 40 nghìn USD cho đối tác nước ngoài, DN phải vay của ngân hàng khoản tiền Việt quy đổi theo đúng tỷ giá niêm yết là 19.500 đồng/USD.

 

Nhưng kèm theo chứng từ rất hợp pháp này là một Phiếu báo nợ khác. Một khoản phí hơn 13 triệu đồng được gọi bằng cái tên “tiền mua USD” là khoản đầu tiên DN phải chịu.

 

Đại diện Việt Á cho biết, khoản phí này mới phát sinh sau khi có sự chênh lệch gần 2 nghìn đồng giữa giá USD chính thức và trên thị trường tự do. Theo ngân hàng, sẽ còn thêm các loại phí nữa để hợp lý hóa khoản chênh lệch đáng kể này. Sự xuất hiện các khoản phí này chính là một chiêu mới của ngân hàng để lách việc thu xếp nguồn USD cho DN từ thị trường tự do.

 

Bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Việt Á cho biết: “Ngân hàng mua cho DN chứ DN không mua bên ngoài. Ngân hàng đứng lên thu xếp cho DN, phần chênh lệch đưa vào phí. Điều này được cái là hạch toán được hợp lý, nhưng cái hợp lý ở đây là cái thiệt hại cho DN. Sống chung với lũ, chúng tôi cũng không biết làm thế nào cả. Vẫn phải mua với tỷ giá chênh lệch, phải chấp nhận làm thua lỗ, phải lấy cái này kéo cái kia, nhưng không thể co kéo mãi, bóc ngắn cắn dài mãi được”.

 

Doanh nghiệp nhập khẩu khó khăn như vậy là do ngân hàng không đủ nguồn USD để bán cho DN theo giá niêm yết. Cũng dễ hiểu là các DN xuất khẩu có USD không muốn bán cho ngân hàng khi họ có thể bán với giá cao hơn gần 2 nghìn đồng/USD trên thị trường tự do.

 

Trước thực tế đó, ngân hàng đành phải ra thị trường tự do để thu xếp nguồn ngoại tệ cho DN. Từ đó, dòng tiền đồng đã tìm đường đi từ DN qua ngân hàng đến thị trường tự do. Ở chiều ngược lại, dòng ngoại tệ lại chảy từ thị trường tự do qua ngân hàng vào DN. Đương nhiên, USD được tính theo giá cao ngất ngưởng trên thị trường tự do. Trong các giao dịch này, vai trò của ngân hàng thương mại không khác gì một đơn vị môi giới USD giữa thị trường tự do và DN mua USD.

 

Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia ngân hàng: “Đó là điều chúng ta nên suy nghĩ cẩn thận. Vì khi ngân hàng không đủ ngoại tệ với giá chính thức, mà làm môi giới để khách hàng gặp nhau và trao đổi mua bán trên thị trường tự do, trực tiếp hay gián tiếp, mình đã hỗ trợ thị trường tự do vận hành theo cung cầu của nó. Khoảng cách giữa thị trường tự do và niêm yết ngày càng lớn”.

 

Từ vị trí thị trường ngoại tệ chính thức, ngân hàng thương mại tự kéo mình xuống vị trí thứ yếu so với thị trường tự do.  Nếu cơ chế này kéo dài, hệ lụy không chỉ ở sự khốn đốn của DN khi lợi nhuận bị chi phí tỷ giá bào mòn, mà nhìn rộng hơn, cả một cơ chế thị trường đang bị bóp méo. Vô hình chung, chính ngân hàng thương mại đang tiếp tay và “vỗ béo” cho thị trường tự do phát triển.

 

 

Theo vtv.vn

Tệp đính kèm