Cập nhật: 06/12/2010 16:06:25 Article Rating
Xem cỡ chữ

TTXVN cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, Bộ Công thương sẽ cung cấp 12 mặt hàng thiết yếu đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Cụ thể, mặt hàng lương thực, với tổng nguồn cung năm 2010 là 39,8 triệu tấn lúa và tồn kho từ năm trước chuyển sang là 0,9 triệu tấn, hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu trong nước là 27,5 triệu tấn lúa trong năm nay.

 

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng tính toán với lượng lúa hàng hóa khoảng 12,3 triệu tấn, sẽ cho phép xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn gạo và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng những tháng đầu năm 2011. Một số loại gạo chất lượng cao có thể tăng giá trong dịp sát Tết Nguyên đán. Đối với mặt hàng phân bón, Bộ Công thương ước tính nguồn cung urê trong tháng 12 này là khoảng 195.000 tấn, bao gồm sản xuất trong nước 95.000 tấn và nhập khẩu khoảng 100.000 tấn, nâng nguồn cung cả năm lên gần 1,9 triệu tấn urê, hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu dự kiến cả năm là 1,8 triệu tấn urê.

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng sản lượng thịt hơi các loại năm 2010 có khả năng đạt từ 3,9 đến 4 triệu tấn (tương đương 2,7-2,8 triệu tấn thịt xẻ), tăng 5-5,5% so với năm trước; trong đó, thịt lợn hơi chiếm 76,2% tổng các loại thịt.

 

Cùng với tổng lượng thịt xẻ nhập khẩu quy đổi chiếm khoảng 2-2,4% tổng khối lượng thịt tiêu dùng trong nước, lượng cung hàng thực phẩm từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng là từ 4-4,1 triệu tấn thịt hơi. Tuy nhiên, giá nhiều mặt hàng thực phẩm tiếp tục có xu hướng tăng từ nay đến Tết Nguyên đán.

 

Về mặt hàng đường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đến cuối tháng 11 vừa qua, đã có 23/38 nhà máy đường bước vào vụ sản xuất 2010-2011, dự kiến trong tháng 12 này, toàn bộ các nhà máy còn lại sẽ vào vụ sản xuất.

 

Đối với các mặt hàng muối và thức ăn chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định: nguồn cung đáp ứng đủ cầu. Riêng giá bán thức ăn chăn nuôi cũng có xu hướng tăng do phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, nhu cầu chăn nuôi tăng sau dịch bệnh và chi phí đầu vào tăng.

 

Bên cạnh đó, mặt hàng xi măng, xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu khác như giấy, than, thuốc chữa bệnh, qua tính toán nguồn cung, xuất nhập khẩu, cũng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước.

 

Sáng qua, 5.12, tại buổi đối thoại trong chương trình “Nói và làm”, Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo nhấn mạnh: Giá cả tăng là mối lo của người dân lẫn người sản xuất, nhà phân phối. Giá cả những tháng gần đây là có tăng và theo các chuyên gia là có nhiều nguyên nhân. Một số giải pháp TP tập trung triển khai để bình ổn giá là: tạo nguồn hàng dồi dào, tổ chức mạng lưới phân phối rộng khắp, tăng cường quản lý thị trường, làm tốt hơn nữa công tác thông tin chính xác đến người dân, biểu dương các doanh nghiệp, cơ sở phân phối làm tốt việc cung ứng hàng hóa, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

 

Tại buổi đối thoại, các chuyên gia kinh tế khẳng định: Giá cả tăng cao là do kinh tế thế giới sau phục hồi kéo theo giá tăng; nhóm hàng lương thực tăng (do giá xuất khẩu gạo tăng, thiên tai); điều chỉnh học phí; nhập siêu lâu dài. Tuy nhiên, bên cạnh đó, yếu tố tâm lý của người dân nghe theo tin đồn là đổ xô đi mua hàng và hệ thống phân phối chưa sâu rộng, chưa đi vào khu vực chợ nhỏ lẻ, vùng sâu vùng xa cũng là nguyên nhân quan trọng có thể đẩy giá cả tăng không hợp lý. Vì vậy, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần thông tin nguồn hàng đầy đủ đến với người tiêu dùng để không dẫn đến “cầu ảo”, như việc xếp hàng mua đường trong thời gian qua.

 

UBND TP.HCM cho biết, hiện nay, số lượng nguồn hàng các đơn vị chuẩn bị phục vụ Tết trong chương trình bình ổn giá đã tăng 4-5 lần so với yêu cầu của UBND TP.

 

UBND tỉnh Bình Dương đã triển khai chương trình hỗ trợ gần 228 tỷ đồng cho bốn doanh nghiệp thực hiện dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Mão 2011. Các mặt hàng tham gia bình ổn gồm lương thực được đầu tư hơn 7 tỷ đồng; thực phẩm tươi sống, đông lạnh gần 59 tỷ đồng; thực phẩm công nghệ gần 87 tỷ đồng; thực phẩm chế biến là hơn 13 tỷ đồng; nước giải khát hơn 26 tỷ đồng; hàng dệt may 30 tỷ đồng...

 

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Tệp đính kèm