Cũng giống thời điểm 2008, việc tăng lãi suất huy động chưa hẳn nhằm thu hút thêm tiền gửi mà trước mắt là giải pháp để giữ tiền lại. Các tổ chức tín dụng đang nỗ lực tự bảo vệ mình.
Theo Tiến sĩ (Ts) Vũ Đình Ánh - Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược tài chính, Bộ Tài chính, việc sử dụng chính sách lãi suất để thực hiện chủ trương thắt chặt tiền tệ cần được kết hợp hiệu quả với chính sách tỷ giá hối đoái, bảo đảm sự đồng hướng với việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
PV: Thưa Ông, mức lãi suất đang khá cao trên thị trường. Có ý kiến cho rằng, đang có cuộc đua lãi suất, công khai cũng như ngầm, tại các ngân hàng thương mại. Ông lý giải vấn đề này như thế nào?
Ts Vũ Đình Ánh: Lãi suất hiện đang có những biến động bất thường và tăng cao, kể cả lãi suất huy động và cho vay. Đã có ngân hàng huy động với mức lãi suất 16 - 17%, dẫn đến mức cho vay hiện dao động từ 19 - 21%, tương đương mức lãi suất của năm 2008 khi chúng ta phải nỗ lực rất nhiều để thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng thời chống lạm phát. Lạm phát năm 2008 đã lên đến 20%, trong khi lạm phát của năm 2010 mới ước khoảng 11%. Tất nhiên, mức lãi suất tăng quá cao là bất hợp lý. Lý giải cho câu chuyện này có thể thấy, chúng ta muốn thắt chặt chính sách tiền tệ. Song, thực tế, mức thắt chặt tiền tệ để kiểm soát và kiềm chế lạm phát từ đầu tháng 11, với việc nâng lãi suất cơ bản từ 8% lên 9%, lại ít có tác dụng đến thị trường. Và nếu nhìn cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay, lãi suất đang lên cao so với mức chịu đựng của nền kinh tế.
PV: Quan sát thị trường có thể thấy, các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động và nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp đang rất cao, thưa Ông?
Ts Vũ Đình Ánh: Mức lãi suất hiện nay là cao nhưng tốc độ tăng tổng tín dụng năm 2010 xấp xỉ và thậm chí vượt qua con số tăng tổng tín dụng cho cả năm là 25%. Và mặc dù lãi suất cao gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp vẫn phải tiếp cận với mức lãi suất này. Vấn đề là chúng ta có thể điều chỉnh được lãi suất về mức hợp lý, phù hợp với sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp hay không phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Theo tôi, nổi lên hai yếu tố cơ bản là chúng ta phải kiểm soát tốt vấn đề về lạm phát, đặc biệt trong những tháng cuối năm 2010 và những tháng đầu năm 2011; đồng thời phải có chính sách thắt chặt tiền tệ tốt hơn nữa, không chỉ là thắt chặt từ góc độ là tăng lãi suất như hiện nay mà cần thắt chặt để hạn chế mức tăng tín dụng. Qua đó, có thể kiểm soát và kiềm chế được lạm phát trước mắt cũng như trung hạn.
PV: Rõ ràng lãi suất và lạm phát đang có mối quan hệ tương hỗ. Nếu xử lý tốt vấn đề lạm phát thì có thể giảm lãi suất trong thời gian tới không, thưa Ông?
Ts Vũ Đình Ánh: Đối với một nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường, lãi suất và lạm phát luôn có mối quan hệ tương đồng, khăng khít. Điều phức tạp và khó khăn cần giải quyết ở đây là xác định được cái gì là nguyên nhân và cái gì là hậu quả. Mối quan hệ giữa lãi suất và lạm phát là mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, do đó cần có chính sách phù hợp ở từng thời điểm để giải quyết vấn đề phát sinh, đặc biệt là để ngăn chặn vòng xoáy lạm phát. Khi lạm phát cao thì lãi suất tăng, khi lãi suất cao mà chúng ta để giá thành sản phẩm tăng thì sẽ đẩy lạm phát tăng, tạo ra vòng xoáy giữa tăng lãi suất và tăng lạm phát. Việc sử dụng chính sách lãi suất để thực hiện chủ trương thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát vì thế cần có sự kết hợp hiệu quả với chính sách tỷ giá hối đoái, bảo đảm sự đồng hướng với việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát như hiện nay.
PV: Thưa Ông, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, việc tăng lãi suất là khó tránh khỏi. Vấn đề là chúng ta phải làm gì để thời gian tăng lãi suất ngắn đi, để không tạo ra những hệ lụy lớn đối với nền kinh tế?
Ts Vũ Đình Ánh: Có mấy vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, mức tăng lãi suất huy động và cho vay hiện nay là bất hợp lý và quá cao. Vì vậy, bên cạnh những biện pháp kinh tế, cần áp dụng cả biện pháp hành chính để sớm dừng cuộc đua lãi suất của các ngân hàng ở thời điểm hợp lý. Thứ hai, việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ tác động không tốt đến sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ở thời điểm nhạy cảm hiện nay. Tôi tán thành với quan điểm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu là chính sách thắt chặt tiền tệ chỉ áp dụng trong thời gian ngắn.
PV: Theo Ông, từ nay đến cuối năm, đường cong lãi suất sẽ như thế nào?
Ts Vũ Đình Ánh: rất khó để dự tính được đường cong lãi suất. Hiện nay, gần như không còn đường cong lãi suất. Vừa rồi, trong cuộc chạy đua lãi suất của các ngân hàng, họ chủ yếu quan tâm đến thời hạn ngắn mà ít quan tâm tới thời hạn trung và dài hạn. Đặc biệt hiện nay, một số chính sách của chúng ta đang thực thi đã bắt đầu xuất hiện những rủi ro về vấn đề kỳ hạn, kể cả huy động và cho vay. Theo tôi, đường cong lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố: một là khả năng kiểm soát được lạm phát trong vài tháng tới đây; và hai là chúng ta sẽ áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ như thế nào bên cạnh yếu tố lãi suất cơ bản đang áp dụng hiện nay.
PV: Vậy, cụ thể những biện pháp thực hiện là như thế nào, thưa Ông?
Ts Vũ Đình Ánh: Chúng ta cần có biện pháp bổ sung. Sự bất hợp lý trong lãi suất huy động và cho vay hiện nay khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc điều hành, kể cả chính sách tài chính tiền tệ và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc ổn định kinh tế vĩ mô thì cũng phải áp dụng biện pháp hành chính để ngăn chặn cuộc đua lãi suất.
PV: Xin cám ơn ông!
Theo Báo điện tử Đại biểu ND