Cập nhật: 22/12/2010 15:28:06 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong giải quyết việc làm cũng như cải thiện đáng kể năng suất lao động. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế mà chúng ta cần khắc phục để lao động và năng suất lao động không trở thành điểm “nghẽn” của tăng trưởng.

 

Lao động và năng suất lao động có vai trò to lớn do tạo ra thu nhập và sức mua có khả năng thanh toán, làm tăng tiêu thụ ở trong nước - động lực của tăng trưởng kinh tế, là “cứu cánh” của tăng trưởng kinh tế trước những bất ổn ở bên ngoài.

 

Trong mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực (ngoại lực là quan trọng, nội lực là quyết định) thì lao động là nội lực. Trong mối quan hệ giữa sử dụng số lượng lao động và năng suất lao động, thì năng suất lao động là yếu tố quyết định.

 

Nhìn lại chặng đường trong khoảng 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong giải quyết việc làm cũng như cải thiện đáng kể năng suất lao động. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế mà chúng ta cần khắc phục để lao động và năng suất lao động không trở thành điểm “nghẽn” của tăng trưởng.

 

Kết quả tích cực

 

Kết quả rõ nhất là số lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế trong 20 năm qua ở nước ta đã tăng bình quân khoảng 965.000 người/năm, suy ra số người được giải quyết công ăn việc làm hàng năm là khá lớn (cao gấp rưỡi số trên để còn thay thế cho số người hết tuổi lao động hoặc các nguyên nhân khác).

 

Nhờ việc giải quyết việc làm tích cực, cộng với tốc độ tăng dân số giảm, nên tỷ lệ thất nghiệp đã giảm nhanh trong thời kỳ 1989- 1996 (từ khoảng 13% xuống dưới 6%); sau đó tăng lên do cuộc khủng hoảng 1997- 1998 ở khu vực tác động (trên 6%); từ năm 2003 đã giảm xuống dưới 6% và từ 2006 đã giảm xuống dưới 5%.

 

Từ cuối năm 2008, do cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động cộng hưởng với hiệu ứng phụ của việc kiềm chế lạm phát làm cho tăng trưởng kinh tế rơi xuống đáy vào quý I/2009, đã có nhiều dự đoán số người thất nghiệp và thiếu việc làm sẽ lên đến gần nửa triệu người. Nhưng nhờ các biện pháp kích cầu đầu tư, hỗ trợ giải quyết công ăn việc làm của Nhà nước, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của “tam nông”, nên chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, tình hình trên đã được ngăn chặn, theo đó, đã thu hút trở lại số người tạm mất việc đồng thời còn thu hút thêm người vào làm việc…

 

Một kết quả tích cực khác là cơ cấu lao động theo ngành đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng lao động nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thuỷ sản đã giảm (từ 73% năm 1990 xuống còn 71,3% năm 1995; khoảng 51,9% năm 2009 và năm 2010 khả năng còn dưới 51% gần đạt mục tiêu đề ra).

 

Tỷ trọng lao động nhóm ngành công nghiệp- xây dựng tăng liên tục (từ 11,2% năm 1990 lên 11,4%, lên khoảng 13,1% năm 2000, lên 18,2% năm 2005, lên 21,5% năm 2009). Tỷ trọng lao động nhóm ngành dịch vụ tăng liên tục và nhanh nhất (từ 15,8% năm 1990, lên 17,4% năm 1995, lên khoảng 21,8% năm 2000, lên 24,7% năm 2005 và lên 26,6% năm 2010).

 

Xuất khẩu lao động đã đạt kết quả tích cực. Hàng năm đã có khoảng 75.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đưa tổng số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài hiện đạt khoảng trên 400.000 người, ở khoảng 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo tính toán ban đầu, tổng số tiền của số lao động làm việc ở nước ngoài gửi về nước đạt khoảng 1,7- 1,8 tỷ USD.

 

Số tiền này một phần đã được sử dụng để cải thiện đời sống, một phần đã được đầu tư góp vốn lập cơ sở sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó ở phương diện vĩ mô đã góp phần cải thiện cung- cầu ngoại tệ, cán cân thanh toán, giảm sức ép tỷ giá. Không ít người sau thời hạn đi làm việc ở nước ngoài đã học hỏi được kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp,…

 

Mục tiêu thời gian tới: Tạo nhiều việc làm song hành với tăng năng suất lao động

 

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, về mặt lao động và năng suất lao động cũng còn một số hạn chế, mà bất cập lớn nhất là trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ lao động do số lao động qua đào tạo còn thấp; việc đào tạo chưa hợp lý giữa các ngành nghề, giữa lý thuyết và thực hành; việc phân bổ và sử dụng lao động còn chưa hợp lý,…

 

Bên cạnh đó, một hạn chế ở tầm tổng quát là năng suất lao động còn thấp. Năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế năm 2009 đạt khoảng 34,7 triệu đồng/người, vẫn chưa vượt qua được 2.000 USD/người, trong đó nhóm ngành nông, nghiệp- thuỷ sản chỉ đạt 12,4 triệu đồng/người...

 

Năng suất lao động thấp là yếu tố cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhất là về chất lượng, là yếu tố tiềm ẩn làm mất cân đối kinh tế vĩ mô (lạm phát, nhập siêu, thâm hụt cán cân thanh toán,…), là lực cản của thu nhập.

 

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, Dự thảo các văn kiện Đại hội XI của Đảng đề ra nhiều mục tiêu về lao động và năng suất lao động, trong đó nổi bật là:

 

- Tạo công ăn việc làm để giảm tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm;

 

- Giảm tỷ lệ lao động khu vực nông nghiệp (đến năm 2015 còn 35- 40%, đến năm 2020 còn 30%) trên cơ sở tăng tương ứng tỷ lệ lao động công nghiệp- xây dựng và dịch vụ;

 

- Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo (đến năm 2015 là 55%, đến năm 2020 là 70%);

 

- Tăng năng suất lao động (gấp rưỡi vào năm 2015), tăng tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của năng suất các nhân tố tổng hợp- gồm hiệu quả đầu tư và năng suất lao động (đến năm 2015 lên 31- 32%, đến năm 2020 lên 35%).

 

 

Theo Chinhphu.vn

 

Tệp đính kèm