Cập nhật: 07/01/2011 15:55:19 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kinh tế- xã hội Việt Nam năm 2010 vừa qua trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phục hồi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và có những chuyển biến tích cực, song nhìn chung chưa thực sự ổn định và còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi tác động đến nền kinh tế trong nước.

Chính trong bối cảnh như vậy nên từ đầu năm, 2010 Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều giải pháp và nhiệm vụ cụ thể nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế- xã hội năm 2011.

 

Với quyết tâm cao của cả nước, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sớm vượt qua giai đoạn khó khăn và phục hồi nhanh sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 ước tính tăng 6,78% so với năm 2009, trong đó quý I tăng 5,84%; quý II tăng 6,44%; quý III tăng 7,18% và quý IV tăng 7,34%. Đây là mức tăng khá cao so với mức tăng 6,31% của năm 2008 và cao hơn hẳn mức 5,32% của năm 2009, vượt mục tiêu đề ra 6,5%.

 

Trong 6,78% tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,78%, đóng góp 0,47 điểm phần trăm; công nghiệp, xây dựng tăng 7,7%, đóng góp 3,20 điểm phần trăm và khu vực dịch vụ tăng 7,52%, đóng góp 3,11 điểm phần trăm. Kết quả trên khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, phù hợp và hiệu quả của các biện pháp và giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô được Chính phủ ban hành và chỉ đạo quyết liệt các các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện.

 

Cũng trong năm 2010, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy gặp một số khó khăn do hạn hán, sâu bệnh và mưa lũ xảy ra tại một số địa phương nhưng nhờ công tác chỉ đạo phòng, chống khắc phục kịp thời, hiệu quả và khu vực bị ảnh hưởng lũ không phải vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp và thủy sản nên kết quả vẫn đạt mức khá. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2010 theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 232,7 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2009, bao gồm nông nghiệp đạt 168,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2%; lâm nghiệp đạt 7,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6%; thuỷ sản đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1%.

 

Sản lượng lúa cả năm 2010 ước tính đạt gần 40 triệu tấn, tăng 1,04 triệu tấn so với năm 2009 do cả diện tích và năng suất đều tăng, trong đó diện tích gieo trồng ước tính đạt 7513,7 nghìn ha, tăng 76,5 nghìn ha so với năm trước; năng suất đạt 53,2 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha.

 

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 cũng tăng cao, tính chung cả năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 794,2 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2009, bao gồm khu vực kinh tế Nhà nước tăng 7,4% (Trung ương quản lý tăng 8,9%, địa phương quản lý tăng 1,2%); khu vực ngoài Nhà nước tăng 14,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,2% (dầu mỏ và khí đốt giảm 0,7%, các ngành khác tăng 19,5%).

 

Cũng trong năm 2010, nhiều dự án, công trình trọng điểm đã được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ nhằm sớm hoàn thành kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư xây dựng của các địa phương trên cả nước cũng phát triển khá mạnh nên giá trị sản xuất xây dựng năm 2010 theo giá thực tế ước tính đạt 545,2 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm trước, trong đó khu vực nhà nước đạt 184,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,4%; khu vực ngoài nhà nước và loại hình khác đạt 345,5 nghìn tỷ đồng, tăng 23,0%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 15 nghìn tỷ đồng, tăng 22,7%...

 

Những kết quả đạt được trên đây khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; đồng thời thể hiện sự cố gắng, quyết tâm cao của các ngành, các cấp, các địa phương và của toàn dân. Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm 2010 là cơ sở và đặt nền tảng cho việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011, năm đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, sản xuất kinh doanh trong nước cũng gặp một số khó khăn do thị trường tài chính, tiện tệ có những biểu hiện phức tạp, lạm phát có xu hướng tăng cao trong những tháng cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2010 so với cùng kỳ năm 2009 đã tăng 11,75%, cao hơn mục tiêu được Quốc hội điều chỉnh là dưới 8%. Vì vậy, để tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo động lực cho năm 2011, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề trọng tâm sau đây:

 

Một là, thực hiện nghiêm Công điện số 2358/CĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, dịch vụ, bình ổn giá thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão. Theo đó cần chủ động xây dựng và triển khai chương trình dự trữ hàng phục vụ Tết Nguyên đán, phát triển mạnh các điểm bán hàng bình ổn, đặc biệt là các mặt hàng trong nhóm bình ổn giá theo quy định. Bám sát diễn biến thị trường giá cả, đặc biệt là giá những mặt hàng trọng yếu phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới để chủ động quản lý, kiểm tra và điều tiết hàng hoá trên thị trường;

 

Hai là, tiếp tục xử lý tốt những bất ổn trong việc huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng; sử dụng và điều hành linh hoạt tỷ giá cũng như các công cụ tài chính gồm: Công cụ thuế, phí, lệ phí và các biện pháp thích hợp theo hướng đẩy mạnh sản xuất, khuyến khích xuất khẩu nhằm ổn định tài chính, tiền tệ; đồng thời để bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu, hạn chế nhập siêu;

 

Ba là, đẩy mạnh và tổ chức tốt hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Chăm lo thường xuyên và chu đáo các đối tượng, gia đình chính sách, gia đình có công với nước, đồng bào những vùng bị ảnh hưởng lũ lụt, nhất là đồng bào dân tộc vùng miền núi, vùng sâu và những hộ gia đình nghèo. Bảo đảm mọi người dân trên cả nước đón Tết vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và an toàn.

 

 

 

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

 

Tệp đính kèm