Cập nhật: 08/01/2011 09:56:53 Article Rating
Xem cỡ chữ

Điện, than, dầu khí, dệt may và hóa chất cùng các tổng công ty cần phải tính tới cơ cấu sản xuất và đầu tư để đến 2020 có được một nền kinh tế tự chủ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo như vậy tại Hội nghị tổng kết ngành Công thương sáng 7/1. Đại diện các tập đoàn và tổng công ty lớn đã có ý kiến về giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2011.

 

Tiết kiệm điện: phải thực sự căn cơ

 

Theo dự báo, năm 2011 khô hạn vẫn diễn ra trên diện rộng. Đến thời điểm 31/12 là hết mùa tích nước nhưng đến giờ nhiều hồ lớn không tích đủ nước trong khi lượng nước cần có là 2,9 tỷ m3. Đây là năm đầu tiên lượng nước ở các sông ở mức thấp nhất.

 

Ông Đặng Hoàng An- Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, để đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế, EVN sẽ đẩy nhanh các dự án điện, 6 tháng đầu năm đưa vào hoạt động tổ máy của Sơn La, Đồng Nai 3, Yuna nak để được khoảng 1.000kwh; các dự án nhiệt điện than cũng sẽ được trưng dụng các tổ máy.

 

Bên cạnh đó, ngành điện cũng sẽ bố trí lại lịch sửa chữa, đảm bảo nhập khẩu điện một cách tối đa. Huy động tối đa các nguồn điện giá cao như than, dầu... Đồng thời, EVN cũng đang tăng cường chiến dịch tuyên truyền tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, đặc biệt là ở một số ngành lớn như thép, xi măng. Trong tháng 1 và quý 1/2011, EVN sẽ đảm bảo đủ điện cho Tết và các ngày lễ, đại hội Đảng; đảm bảo xả nước cho nông nghiệp.

 

Ông Đặng Hoàng An đặc biệt nhấn mạnh đến các giải pháp tiết kiệm điện. Theo ông An, bình quân 5 năm gần đây hệ số tăng trưởng điện so với tăng trưởng GDP vẫn là 2 lần. Nghĩa là cứ tăng trưởng 1% GDP thì phải mất 2,02% điện. Ông An đưa ra dẫn chứng: riêng ngành thép, xi măng mỗi năm tiêu thụ khoảng 10 tỷ kwh điện, sang năm 2011 dự kiến hai ngành này tiêu thụ khoảng 11 tỷ kwh. “Tiềm năng tiết kiệm điện của 2 ngành này rất lớn, bằng việc áp dụng kiểm toán năng lượng, cải tiến dây chuyền sản xuất, lắp biến tần, cải tạo chiếu sáng. Chỉ cần tiết kiệm được 1% trong 2 ngành này chúng ta đã tiết kiệm được một sản lượng điện khá lớn. Với tình hình tiêu thụ điện như hiện nay chúng ta sẽ phải nhập khẩu nguyên liệu sơ cấp quá sớm” – ông An nói.

 

Phát biểu góp ý cho ngành điện, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Phải có kế hoạch, đảm bảo cung ứng cho sản xuất, phải có dự phòng, hạn chế cung cấp cho những dịch vụ xa xỉ như sục bể bơi nước nóng.. . Cần đưa ra áp lực để cải tiến, đổi mới cho sản xuất, tiêu dùng trong sử dụng điện để hình thành một nền kinh tế hiện đại. Ví dụ đến 2020 làm sao tỷ lệ phát triển điện với nền kinh tế là 1-1.

 

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhưng lại tiêu thụ điện rất nhiều. Nguyên nhân là chúng ta nhập khẩu công nghệ lạc hậu, chưa có cơ cấu hợp lý. Nếu giả sử giảm được 10-15% sản lượng điện cần thiết, kể cả thiết bị tiêu dùng thì có thể tiết kiệm được 10-15 tỷ kwh/năm, bằng công suất của 3 nhà máy thủy điện lớn nhất Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu.

 

Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: Một nền kinh tế mà cả sản xuất và tiêu dùng điện ghê gớm như vậy thì là phát triển không bền vững, không thể đáp ứng kịp. Nước đâu để chạy thủy điện, gió đâu để làm phong điện, vốn đâu ra? Tăng trưởng ngành điện 15-16%/năm nhưng cũng không thể đáp ứng cho nền kinh tế.

 

Đề nghị thực hiện cơ chế thị trường với than và xăng

 

Ông Trần Xuân Hòa- Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) kiến nghị, Chính phủ cho phép TVK xuất khẩu than cám nhiệt năng (than loại 6-7). Hiện tổng dự trữ kho là 6,5 triệu tấn (trong khi năng lực kho chứa chỉ được 5 triệu tấn). Nếu không xuất khẩu được thì năm 2011, TKV chỉ sản xuất 33 triệu tấn than nguyên khai. Số lượng này chỉ đáp ứng được cho điện, còn xi măng chỉ cung cấp được khoảng 55% nhu cầu. “Nếu sản xuất ít, lại không được tăng giá thì ngành than sẽ lỗ trên 5.000 tỷ đồng và 30.000 lao động không có việc làm” – ông Hòa nói.

 

Từ các lý do trên, ông Trần Xuân Hòa đề nghị cho TKV tiếp tục được thực hiện bán than theo giá thị trường bởi theo lộ trình quy hoạch mà tập đoàn đã thông báo thì đến năm  2015 những loại than mà TVK xuất khẩu trong nước vẫn chưa có nhu cầu, trong khi để đảm bảo kế hoạch khai thác đến 2015 ngành than cần 39.000 tỷ đồng vốn đầu tư.

 

Về mặt hàng xăn dầu, ông Bùi Ngọc Bảo- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết: “Năm 2010 là năm đầu tiên thực hiện Nghị định 84/ 2009/NĐ-CP theo cơ chế thị trường đối với mặt hàng xăng dầu. Đây cũng là năm giá cả thay đổi ít nhất, chỉ điều chỉnh giá 4 lần (2 lần tăng, 2 lần giảm giá). Nhưng cũng chính vì không được điều chỉnh giá theo thị trường nên đây chính là yếu tố không thể thực hiện theo Nghị định 84”.

 

Vì là năm đầu nên sự chuẩn bị để xăng dầu kinh doanh theo giá thị trường, nên hầu hết các bộ quản lý chưa chuẩn bị kỹ hướng dẫn để nghị định vận hành. Vì thế, khi đi vào thực tiễn việc điều hành rất lúng túng, đặc biệt là việc sử dụng quỹ bình ổn giá, bù giá từ quỹ bình ổn…

Cũng chính vì Nghị định 84 không vận hành được nên ngoài áp lực giá không theo cơ chế thị trường còn có áp lực xăng dầu bị xuất lậu qua biên giới rất lớn. Thậm chí còn lớn hơn những năm trước. Cụ thể trước đây, xăng dầu chỉ thẩm lậu qua biên giới Lào, Campuchia, nhưng nay do giá diezen và xăng tại Việt Nam chênh lệch với giá xăng dầu Trung Quốc rất lớn nên xảy ra hiện tượng thẩm lậu xăng dầu trên toàn bộ các tuyến biên giới.

 

Hiện nay kinh doanh xăng, dầu lỗ khoảng 2.400 đồng/lít. Vì thế ông Bảo cho rằng, nếu không áp dụng triệt để kinh doanh xăng dầu theo giá thị trường thì áp lực bù lỗ cho xăng dầu rất lớn và có có thể gây hiện tượng khan ảo nguồn cung như năm 2008. “Vì các đầu mối không nhập nên áp lực đổ dồn cho Petrolimex” – ông Bảo phân tích.

 

Ông Bảo kiến nghị: Nhà nước và Chính phủ nên kiên định thực hiện Nghị định 84, vận hành kinh doanh xăng dầu theo giá thị trường; có hướng dẫn và cơ chế sử dụng quỹ bình ổn, không để xảy ra việc dùng quỹ bình ổn để bù lỗ như hiện nay. Bởi việc sử dụng quỹ bình ổn như hiện nay ngày càng xa mục đích như Nghị đinh 84 đặt ra. Đây là quan ngại rất lớn cho doanh nghiệp.

 

Vẫn là cái vòng luẩn quẩn

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu ra 2 thách thức lớn mà đất  nước nói chung và ngành Công thương nói riêng phải đối mặt, đó là: cơ cấu kinh tế chưa thật vững, hiệu quả chưa cao, mất cân đối và tính hiệu quả của nền kinh tế nội địa chưa tốt. 

 

Theo Phó Thủ tướng, việc cân đối về chất lượng còn nhiều điểm đáng bàn. Như sản xuất điện vẫn còn yếu, xăng dầu vẫn phải nhập chưa sản xuất đủ trong nước, an ninh năng lượng là vấn đề nóng. Phân bón, thuốc trừ sâu và bảo vệ thực vật cũng còn thiếu; công nghiệp máy móc, thiết bị, cơ khí vẫn cơ bản phải nhập khẩu từ máy xây dựng tới máy móc khai khoáng, kể cả một số ngành đã nội địa hóa nhưng vẫn rất ít…

 

“Khả năng chỉ có vậy nên dẫn tới câu chuyện nhập khẩu nhiều, thiếu ngoại tệ, gây sức ép lên tỷ giá, lãi suất và tạo ra tăng giá. Đây thực sự là một vòng luẩn quẩn chưa gỡ được. Tăng trưởng về số lượng mà không đi đôi với chất lượng là không được”.

 

Phó Thủ tướng cũng đặt câu hỏi, ngành cơ khí của Việt Nam đã phát triển đáp ứng cho nền kinh tế chủ động hội nhập quốc tế hay chưa?” Khoảng 90% nhập khẩu là vật tư, thiết bị, máy móc phụ tùng, nguyên nhiên vật liệu. Điều này khiến ta chưa thể hoàn toàn yên tâm chủ động hội nhập khi thế giới có những biến động” – Phó Thủ tướng nói. 

125

 

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại danh mục đầu tư để cơ cấu lại danh mục đầu tư hợp lý theo hướng đảm bảo chất lượng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường nội địa, đồng thời cần quan tâm mở rộng thị trường quốc tế./.

 

 

Theo vovnews.vn

 

Tệp đính kèm