Cập nhật: 23/02/2011 16:06:44 Article Rating
Xem cỡ chữ

 Trên thế giới, cơn bão giá về lương thực, thực phẩm đang gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Ở Việt Nam, chúng ta có thể chủ động được về vấn đề này.

Đầu năm 2011, cùng với vàng và đô la Mỹ, một loạt mặt hàng như: xi măng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật... và sắp tới là điện, xăng dầu đồng loạt tăng giá. Người dân và doanh nghiệp cần phải làm gì để ứng phó với việc tăng giá?

 

TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội: Đợt tăng giá này sẽ kích thích thị trường trong nước

 

Hiện nay, có yếu tố tâm lý "té nước theo mưa" hay không, thưa ông? Người dân nên ứng phó với yếu tố tâm lý này như thế nào?

 

Cũng có một vài mặt hàng giá tăng do tâm lý. Ví dụ, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới, một phần do yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, người mua chủ yếu là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, mua với số lượng ít, những nhà đầu tư lớn, rút kinh nghiệm từ những đợt tăng giá trước, đã thận trọng hơn. Người dân cần hết sức thận trọng, bình tĩnh để tự mình loại bỏ những rủi ro từ sự không hiểu biết của chính mình, tránh mua bán theo kiểu bầy đàn, nặng về yếu tố tâm lý.

 

Tình trạng tăng giá một loạt các mặt hàng chiến lược sẽ tác động như thế nào đến doanh nghiệp và người dân?

 

Với doanh nghiệp (DN), đợt tăng giá này có những tác động cơ bản sau: Thứ nhất, làm tăng chi phí đầu vào, nhất là với những DN sử dụng trực tiếp mặt hàng này. Thứ hai, tạo sức ép buộc DN phải chuyển chi phí này vào giá thành đầu ra, làm giảm sức cạnh tranh của DN, thậm chí có thể làm gia tăng tồn đọng hàng, gia tăng khoản nợ, giảm sút lợi nhuận, thu hẹp sản xuất. Thứ ba, DN chịu thêm sức ép để thực hiện tiến trình cải cách mới, theo hướng tái cơ cấu kinh tế.

 

Đối với người dân, bị những ảnh hưởng sau: Hàng hóa và dịch vụ sẽ đắt lên. Thu nhập thực tế của người dân bị giảm sút. Với người thu nhập thấp, thu nhập cố định, sự ảnh hưởng sẽ rõ nét hơn. Tuy nhiên, đợt tăng giá này cũng có thể tạo ra những tác động tích cực, người dân buộc phải lựa chọn thông minh hơn, điều chỉnh lại thói quen tiêu dùng, hướng tới những sản phẩm trong nước giá cả cạnh tranh hơn. Điều này sẽ kích thích thị trường trong nước và các mặt hàng Việt Nam phát triển.

 

Theo ông, Nhà nước nên làm gì để có thể bảo vệ người nghèo trước tình hình hiện nay?

 

Theo kinh nghiệm ứng phó từ những đợt tăng giá trước, đầu tiên, Chính phủ nên thực hiện các giải pháp tăng cường dự trữ, hỗ trợ người dân những hàng hóa thiết yếu. Ví dụ có quỹ bình ổn lương thực, thực phẩm. Cấp Trung ương và cả địa phương cần gia tăng quy mô và cách thức hoạt động của quỹ này sao cho quỹ được tung ra kịp thời và hỗ trợ đúng đối tượng.

 

Thứ hai, chính sách liên quan đến tín dụng, hỗ trợ lao động nghèo và những DN nhỏ cần được gia tăng hơn nữa, trở thành một chiến lược mang tầm quốc gia dài hạn, chứ không phải là giải pháp tạm thời.

 

Thứ ba, một đề án hướng tới các DN vừa và nhỏ cũng như hướng tới hỗ trợ người lao động thu nhập thấp phải trở thành chính sách quan trọng và thường xuyên của Chính phủ. Người dân cũng nên bình tĩnh trước việc tăng giá hiện nay vì Việt Nam khác với thế giới. Trên thế giới, cơn bão giá về lương thực, thực phẩm gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân thì Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động được về vấn đề này.

 

Người dân và DN nên ứng xử như thế nào với tỉ giá đồng Việt Nam và USD vừa tăng và có thể còn tăng, thưa ông?

 

Ở góc độ DN cần chú ý: Thứ nhất, DN phải có dự phòng tăng tỉ giá, các thương lượng hợp đồng cần có dự phòng tăng giá và tăng tỉ giá. Thứ hai, DN phải quan sát, bám sát vào động thái chính sách cũng như động thái thị trường để tăng sự linh hoạt và hiệu quả trong phản ứng chính sách và phản ứng thị trường. Thứ ba, DN cần tái cơ cấu và điều chỉnh linh hoạt kinh doanh, nhưng phải lấy mục tiêu an toàn làm trọng, tránh những kinh doanh mang tính chất cơ hội, rủi ro cao.

 

Còn người dân nên bình tĩnh, điều chỉnh kế hoạch chi tiêu hướng tới trọng tâm chi tiêu thiết yếu nhất, hiệu quả nhất. Đừng để mình trở thành nạn nhân của những tin đồn, đầu cơ và những thủ thuật tạo sốc thị trường. Nên bày tỏ nguyện vọng trước các cơ quan thông tin và Chính phủ để các cơ quan hữu quan biết và có những giải pháp thích hợp.

 

TS Bùi Trường Giang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam: Chính quyền địa phương phải chủ động hỗ trợ người dân

 

Tăng giá các mặt hàng chiến lược là con đường tất yếu mà chúng ta phải chấp nhận. Chúng ta điều chỉnh tăng giá sớm (thời điểm đầu năm), DN sẽ chủ động được kế hoạch kinh doanh trong cả năm và các năm tới. Năm 2011 là năm khởi đầu kế hoạch 5 năm. Điều chỉnh giá từ đầu năm 2011, các nhà sản xuất sẽ chủ động hoạch định chiến lược kinh doanh trong những năm tiếp theo. Người dân và DN ứng xử bình tĩnh trước những tín hiệu và thông điệp chính sách rõ ràng, minh bạch, đấy là thành công.

 

Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, người dân phải bình tĩnh trong việc bảo vệ tài sản và thu nhập của mình. Còn nhìn từ góc độ Nhà nước, tôi tin Chính phủ đã có kinh nghiệm xử lý, đã có những quỹ bình ổn giá để hỗ trợ người dân. Bên cạnh chính quyền Trung ương, chính quyền địa phương cũng phải chủ động trong việc hỗ trợ người dân. Ví dụ chương trình bình ổn giá ở TP. HCM và TP. Hà Nội rất hiệu quả, cần nhân rộng ra các địa phương khác trong cả nước.

 

Việc bình ổn giá là bước đệm cho người dân trong cơn bão giá hiện nay. Với mặt bằng giá mới, DN phải tái cấu trúc lại, phải chọn những ngành nghề thích ứng với xu thế chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế; Phải chủ động chuyển dịch sang những ngành nghề có giá trị gia tăng cao, phù hợp với lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế.

 

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế: Cơ hội để sàng lọc doanh nghiệp

 

Những rủi ro về nguyên liệu, tỉ giá, vốn đều đã được cảnh báo trước (điều chỉnh tỉ giá, tăng giá điện đều được thực hiện theo lộ trình) và bất cứ DN nào cũng phải trải qua. Đây là cơ hội để sàng lọc DN: những DN yếu kém, thâm dụng nguyên liệu, cách thức sản xuất lạc lậu, không đầu tư cho khâu gia tăng giá trị sản phẩm... nếu không tích cực thích ứng, chuyển đổi thì sẽ bị phá sản, sáp nhập. Ngược lại, những DN đầu tư tốt cho sản phẩm, có đủ lực và sức “chiến đấu” sẽ bứt lên. Đối với những DN đang gặp khó khăn, không còn cách nào khác là phải kiên quyết thay đổi ngay từ bây giờ thông qua việc mạnh dạn đổi mới thiết bị, giảm chi phí điện năng, cải tiến quy trình sản xuất.

 

Ông Nguyễn Tiến Cường, Giám đốc Công ty Đầu tư và sản xuất vật liệu xây dựng Cát Tường: Thời điểm PR người tiêu dùng tốt nhất

 

DN chúng tôi mong muốn đã là kinh tế thị trường thì phải tuân theo thị trường, Nhà nước không nên can thiệp bằng biện pháp hành chính. Cứ để giá tăng từ từ, người dân và DN sẽ dễ thích nghi hơn là cứ kìm hãm rồi đến lúc kìm hãm không được lại tăng đột biến. Khi đồng tiền giảm giá, người dân tìm cách bảo toàn đồng vốn, và họ mua vàng, đô la, đất, cả những thực phẩm thiết yếu. Người dân là những nhà đầu tư nhỏ lẻ nhưng số lượng lại đông. Vì vậy, thường đầu tư theo tin đồn, theo kiểu bầy đàn, gây ra hiệu ứng tâm lý rất khó kiểm soát. Đó là điều các cơ quan chức năng cần phải lưu tâm.

 

Trước đây, trong mỗi đợt tăng giá đều kêu gọi DN phải cố gắng giảm giá thành, tiết kiệm chi phí tối đa… Với DN chúng tôi, không còn khả năng tiết kiệm nữa. Vì vậy phải tính đến việc tái cơ cấu DN. Khi thị trường biến động, DN đưa hàng hóa ra thị trường rồi mới tính toán được khả năng chấp nhận của người tiêu dùng, từ đó tìm cách điều chỉnh cho phù hợp. Thời điểm khó khăn hiện nay là thời điểm làm PR tốt nhất, tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn thời điểm khác. Thị trường càng biến động, DN nào biết tìm chỗ đứng của mình sẽ có lợi, và sẽ vượt qua được khó khăn.

 

Ông Nguyễn Đại Lai, chuyên gia kinh tế: Phải chống tình trạng "đô la hóa"

 

Bản chất của việc giá USD tăng cao trong thời gian gần đây là do cán cân cung - cầu. Tức là cầu ngoại tệ lớn, ngoại thương của chúng ta thâm hụt dẫn đến tình trạng thiếu đô la Mỹ. Thiếu đô la Mỹ không phải là do chúng ta có ít hay có nhiều. Chúng ta không sản xuất ra đô la Mỹ, chúng ta chỉ sản xuất ra hàng, nguồn hàng chính là vật đảm bảo cho việc ngoại tệ vào nhiều hay ít. Vàng và đô la Mỹ có hiệu ứng tâm lý, là nơi trú ẩn của lạm phát.

 

Để thị trường vàng và USD ổn định trong thời gian tới, phải chống được tình trạng "đô la hóa", quản lý chặt chẽ một đầu mối và cân đối được nguồn ngoại tệ nhập, tính khả thi của nguồn ngoại tệ nhập. Phải kiểm soát tổng cung và tổng cầu, kiểm soát chặt chẽ, kể cả bằng các biện pháp hành chính và pháp luật./.

 

 

 

Theo vovnews.vn

Tệp đính kèm