Cập nhật: 01/03/2011 15:50:08 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chính phủ xác định, nút thắt đang cần gỡ nhất hiện nay để có thể kìm cương lạm phát là những bất cập ở thị trường tiền tệ.

Sự cộng hưởng tăng giá của than, điện và cả sự điều chỉnh tăng của tỷ giá đang khiến giá cả hàng hóa chịu sức ép tăng giá rất mạnh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp trực tuyến với lãnh đạo các địa phương cách đây vài ngày về một số giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát. Trong tình thế cấp bách, Thủ tướng đã có những “mệnh lệnh” rõ ràng về các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, cố gắng hạn chế những tác động đến người dân, đặc biệt người dân nghèo.  

 

Có thể nói, đa phần người lao động không mấy quan tâm tới giá vàng, giá USD liên tục tăng trong những ngày qua nhưng họ không thể hiểu nổi tại sao giờ đây ra chợ mua mớ rau, con cá hay bất thứ cái gì người bán hàng cũng thản nhiên thông báo: “giá vàng và đô lên cao thế cơ mà, làm sao giá hàng hóa thấp được!”. Rõ ràng, USD đã len lỏi và lan đến tận chợ. Thói quen tích trữ và sử dụng USD trong niêm yết và thanh toán hàng hóa đang khiến làm cho nỗi lo “đô la hóa” nền kinh tế lớn dần hơn khi lạm phát lên cao.

 

Đã từ khá lâu,  khi đi mua xe ô tô nhập khẩu, mua máy in, hàng điện tử, điện lạnh ở siêu thị, mua nhà chung cư cao cấp hay vào khách sạn nhà hàng sang trọng… mọi thứ đều được niêm yết hai loại giá USD và VNĐ đặt song song. Khi thanh toán, khách hàng sẽ được khuyến khích, thậm chí là ưu đãi nếu thực hiện bằng USD. Còn nếu khách hàng thanh toán bằng tiền đồng Việt Nam (VNĐ) thì giá của hàng hóa sẽ dựa trên tỷ giá hối đoái giữa VNĐ và USD ngày thực hiện giao dịch… Thực tế này đã được người bán, người mua và cả cơ quan có trách nhiệm quản lý thản nhiên thừa nhận. Đây thực chất là những biểu hiện của  nền kinh tế bị đô la hóa.

 

Có một con số thống kê đưa ra cách đây ít lâu là  ở Việt Nam ta, tỷ lệ đô la hóa luôn ở mức trên 20% tổng giao dịch thanh toán trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực thấp hơn chỉ khoảng 7-10%. Thực tế đó cũng góp phần dẫn đến một câu chuyện nghịch lý đã từng xảy ra ở nước ta: khi lạm phát nhăm nhe tăng, USD lập tức lên ngôi, ngay cả khi USD mất giá rất mạnh ở chính nước Mỹ và hầu khắp các nước trên thế giới.

 

Hiện nay, ở nhiều ngân hàng thương mại nước ta đã có dấu hiệu nghịch lý về USD, biểu hiện qua hiện tượng: "thiếu tiền, thừa vốn". Do lãi suất huy động ngoại tệ tăng, cùng với tỷ giá có xu hướng tăng và đứng ở mức cao nên lượng "tiền gửi ngoại tệ" ở các ngân hàng tăng, trong lúc tiền mặt ngoại tệ ở thị trường  lại hiếm. Hay trên thị trường tín dụng, vay USD có lãi suất khá thấp và không khó để vay, trong khi trên thị trường mua bán, USD lại rất khan hiếm và bị đẩy giá khá cao.

 

Trong những thời điểm cung cầu ngoại tệ trên thị trường mất cân bằng như một vài thời điểm vừa qua, tình trạng đô la hoá cũng gây thêm khó khăn cho việc ổn định trở lại của thị trường ngoại tệ. Bởi đô la hoá làm tăng hiện tượng đầu cơ, bóp méo cung cầu ngoại tệ. Trong lúc thực lực về dự trữ ngoại tệ quốc gia mỏng, USD tiếp tục nhảy múa không theo ý muốn.

 

Một thông tin rất đáng chú ý mà Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thông báo, hiện tại số dư tài khoản ngoại tệ của các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại lên tới 21 tỷ USD – nguồn ngoại tệ không hề nhỏ và hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu và nếu khai thông được nguồn này thì cung cầu ngoại tệ sẽ không căng thẳng như thời gian qua.

 

Thông tin này cũng vỡ lẽ một điều, lượng tiền ngoại tệ, cụ thể là USD không hề thiếu, vấn đề là chúng ta chưa có cơ chế để khai thông nguồn tiền “chết trong két” này. Cũng từ thực tế đó cũng  nhận ra một điều là sự thiếu ổn định của các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là vấn đề điều hành tỷ giá, cộng với lòng tin về tiền đồng chưa được củng cố khiến không chỉ cá nhân, mà các doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức kinh tế khác cũng có động thái găm ngoại tệ, đầu cơ ngoại tệ.

 

Một lần nữa trong cuộc họp chỉ đạo các giải pháp chống lạm phát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: Dứt khoát không để tỷ giá thả nổi. Dứt khoát không để tình trạng đô la hóa cứ tiếp tục bất chấp luật pháp. Dứt khoát các tập đoàn nhà nước phải bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước. Và với chỉ đạo đó, cũng cần phải hiểu là tình thế cấp bách, dứt khoát mệnh mệnh chỉ đạo của Thủ tướng phải được thực thi một cách triệt để để sớm ổn định tình hình./.

 

Theo Thanh Niên Online

Tệp đính kèm