Từ ngày 1-3, một đợt tăng giá mới bắt đầu. Tỷ giá liên ngân hàng giữa VND với USD tăng 9,3%, rồi giá xăng, dầu, điện tăng... là lý do khiến nhiều doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh điều chỉnh giá bán hàng hóa, dịch vụ. Ðể hạn chế tác động tiêu cực của việc điều chỉnh các loại giá nêu trên, rất cần triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ.
Không tránh khỏi tăng giá
Ðại diện hệ thống siêu thị CoopMart cho biết, ngay từ cuối tháng 2, hệ thống siêu thị này đã nhận được đề nghị tăng giá của rất nhiều nhà cung cấp, phân phối và sau khi đàm phán, thống nhất, kể từ ngày 1-3, CoopMart thực hiện tăng giá ba nhóm hàng hóa gồm: nhóm may mặc với mức tăng từ 5 đến 10%; nhóm đồ dùng gia đình tăng 10-15%; nhóm hàng nhập khẩu tăng 10%. Lý do tăng giá mà các nhà phân phối đưa ra chủ yếu là do tỷ giá tăng vì các nhóm hàng điều chỉnh giá bán lần này chủ yếu thuộc hàng nhập khẩu hoặc hàng sản xuất trong nước sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu. Sức mua tại hệ thống siêu thị đã trở về mức bình thường những ngày sau Tết nên với đợt điều chỉnh tăng giá lần này, hệ thống siêu thị CoopMart cũng lo ngại sức mua sẽ giảm. Tuy nhiên, để giữ chân khách hàng, hệ thống siêu thị này đã cùng các nhà phân phối, cung cấp hàng triển khai một loạt chương trình khuyến mại nhằm kéo giảm mức tăng giá của hàng hóa.
Theo Giám đốc điều hành Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Mai Khuê Anh, từ ngày 1-3, nhiều nhóm hàng hóa bán tại hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích của Hapro sẽ tăng giá bán với mức tăng từ 5% đến 15% tùy theo từng nhóm hàng. Ðiểm đặc biệt trong lần tăng giá này là các nhà cung cấp, phân phối hàng hóa chỉ đồng ý thỏa thuận mức tăng giá 5% - 15% trong khoảng thời gian ngắn từ 15 đến 30 ngày, sau khoảng thời gian này sẽ đàm phán lại mức giá với lý do các chi phí đầu vào liên tục tăng. Riêng các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, Hapro đã ký hợp đồng từ trước với các nhà cung cấp nên giá bán các mặt hàng này vẫn thấp hơn giá thị trường từ 5% đến 10%. Tuy nhiên, lượng hàng bình ổn này cũng chỉ đủ dự trữ trong vòng một tháng.
Tỷ giá là một trong những yếu tố cấu thành nên giá vốn nhập khẩu, một khi tỷ giá tăng thì giá vốn hàng hóa cũng tăng. Chưa kể, điện, xăng, dầu là những chi phí đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất nên việc tăng giá điện, giá xăng, dầu đã khiến nhiều DN phải tính toán lại giá bán sản phẩm. Trưởng phòng ma-két-ting Công ty cổ phần Thực phẩm Hữu nghị Nguyễn Minh Ðức cho biết, với việc điều chỉnh tỷ giá, điện, xăng dầu vừa qua thì giá thành sản phẩm của công ty sẽ tăng khoảng 18%. Hiện nay, DN này đang “gồng mình” để giữ giá bán ổn định nhưng chắc chắn, đến tuần sau công ty sẽ tiến hành điều chỉnh giá bán. “Tỷ giá tăng, chi phí vận chuyển tăng, một số nguyên liệu đầu vào như sữa, bột mỳ, dầu ăn cũng vừa tăng giá từ tuần trước... buộc công ty phải tính toán hai phương án: hoặc tăng giá bán sản phẩm theo tỷ lệ tăng giá thành hoặc tăng giá bán sản phẩm để làm sao giữ được lợi nhuận từ 2 đến 5%. Ðây quả là áp lực quá lớn đối với DN”, Trưởng phòng Nguyễn Minh Ðức than thở.
Khảo sát các chợ tại Hà Nội, có thể thấy phần lớn các mặt hàng đã “rục rịch” tăng giá. Tại chợ Thái Hà (Hà Nội), thịt lợn các loại đã tăng trung bình 5.000 đồng/kg. Giá thịt bò, thịt gà ta, vẫn đứng ở mức cao so như thời điểm trước Tết Nguyên đán, mặc dù theo quy luật thì hai loại thực phẩm này thường giảm giá sau Tết Nguyên đán. Chị Ðào Thị Yến, chủ quầy bán gà tại chợ Nguyễn Khắc Cần (Hà Nội) cho biết, giá thịt gà công nghiệp tăng 5.000 đồng/kg so với mấy hôm trước, giá bán khoảng 55 nghìn đồng/kg. Cá trắm trắng giá 70.000 đồng/kg, tăng 5.000 - 7000 đồng/kg; cá chép to bán giá 100.000 đồng/kg, tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg...
Không chỉ hàng hóa, nhiều loại dịch vụ cũng đang “nhấp nhổm” tăng giá theo. Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Nguyễn Mạnh Hùng, ngay ngày đầu tháng 3, một số DN ta-xi bắt đầu thực hiện mức cước mới, tăng khoảng 1.000 đồng/km (tăng 10% so với giá cước hiện tại). Các DN vận tải hành khách cũng sẽ in vé, niêm yết giá mới và thực hiện tăng cước ngay sau khi được cơ quan quản lý địa phương chấp thuận với mức tăng cước vận tải của nhiều DN dự kiến dao động quanh mức 12%. Cả hai mặt hàng xăng và dầu tăng giá đều có tác động đến ngành vận tải ô-tô, đẩy chi phí vận tải lên cao hơn, ở cả lĩnh vực hành khách lẫn hàng hóa. Theo tính toán sơ bộ của Hiệp hội vận tải ô-tô, chi phí trực tiếp từ giá xăng, dầu đi-ê-den tăng sẽ đẩy chi phí của ngành tăng lên khoảng 10%. Ngoài ra, ngành còn sử dụng một số mặt hàng khác như săm, lốp, ắc-quy,... cùng một số chi phí gián tiếp khác như lãi suất ngân hàng, giá điện,... tăng khoảng 5%. Tỷ suất lợi nhuận của ngành khoảng 10%, trong khi đó, các chi phí đã tăng lên 15%, buộc phải tính toán lại mới bảo đảm bù đắp chi phí và hoạt động có lãi.
Cần tăng giá một cách hợp lý
Nhìn nhận mức tăng giá hàng hóa, dịch vụ của các DN, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, bên cạnh một số nhóm hàng tăng giá do tác động của việc điều chỉnh tỷ giá thì một số nhóm hàng hóa tăng giá từ ngày 1-3 theo kiểu tăng giá “đón đầu” bởi thực tế phải đến ngày 15-3 thì các DN mới có thể tính toán đưa ra mức giá mới trên cơ sở tác động của việc tăng giá điện, xăng, dầu. Vì thế, dự kiến đến giữa tháng 3, sẽ tiếp tục có thêm một đợt tăng giá. Theo Chủ tịch Vũ Vinh Phú, việc tăng giá là không thể tránh khỏi, song các siêu thị cần liên kết chặt chẽ với nhau để đàm phán với các nhà cung cấp, phân phối, nhằm thống nhất được mức tăng giá hợp lý, vừa bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng vừa duy trì được doanh số bán hàng của siêu thị.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, trước tác động của việc tăng giá xăng, dầu, Hiệp hội vận tải ô-tô đã khuyến cáo các DN vận tải trước khi kê khai giá cước, báo cáo gửi ngành thuế địa phương đề xuất xin tăng cước, phải rà soát lại chi phí, tổ chức vận tải hợp lý nhằm chống lãng phí. Hiệp hội khuyến cáo các DN khi xây dựng giá cước mới, không được lợi dụng tăng giá xăng, dầu để tăng lợi nhuận. Hiện tại, có một số DN vận tải hành khách nhỏ lẻ đã có hiện tượng lợi dụng này. Hiệp hội đã nhắc nhở các DN thành viên việc tăng giá cước là “con dao hai lưỡi”, nếu tăng giá cước bất hợp lý, sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Có thể nói, việc điều chỉnh tỷ giá, giá xăng, dầu, điện là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc điều chỉnh giá lần này, rất cần triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó cần đặc biệt tăng cường công tác quản lý thị trường, có các biện pháp cụ thể (hành chính, kinh tế) để không xảy ra hiện tượng lợi dụng việc điều chỉnh tỷ giá, giá điện, xăng, dầu để tăng giá các sản phẩm một cách tràn lan, bất hợp lý. Chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giá trên địa bàn. Các cơ quan tài chính địa phương cần xem xét kỹ các mức tăng giá mà DN đăng ký để bảo đảm thông qua các mức giá hợp lý, người tiêu dùng chấp nhận được. Về phía các DN, cần thực hiện triệt để chủ trương tiết kiệm chi phí điện, xăng, dầu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, có biện pháp quyết liệt cải tiến công nghệ, đổi mới quản lý, tiết kiệm, chống lãng phí, tăng năng suất, hạ giá thành để khắc phục khó khăn do giá “đầu vào” tăng và để góp phần kiềm chế việc tăng giá “đầu ra”.
Theo Nhân Dân Online