Nhà nước cần hoàn chỉnh cơ chế bảo đảm thực thi hữu hiệu chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ.Chiều 11/3, tại thành phố Cần Thơ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể nhằm thẩm tra báo cáo kinh tế-xã hội chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII.
Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, so với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thông qua, về cơ bản đạt các mục tiêu đề ra cho năm 2010. Trong tổng số 21 chỉ tiêu có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó có 8 chỉ tiêu đạt cao hơn so với số đã báo cáo với Quốc hội như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tình hình kinh tế-xã hội năm 2010 phát triển theo hướng tích cực, nền kinh tế phục hồi khá nhanh trong điều kiện kinh tế thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Riêng xuất khẩu tiếp tục phát triển và đạt tốc độ tăng trưởng gấp 4 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, các mặt an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, bước vào năm nay, tình hình kinh tế đất nước đang đứng trước thời cơ mới, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Tại Hội nghị, ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng, lạm phát đang có những dấu hiệu bộc phát, gây bất ổn cho nền kinh tế. Nổi cộm là bất ổn vĩ mô gia tăng như lạm phát, tỉ giá biến động mạnh, thâm hụt cán cân thanh toán, thị trường tài chính, tiền tệ thiếu ổn định.
Các đại biểu đánh giá cao việc ra đời Nghị quyết 11 của Chính phủ có tác động rất lớn trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; tập trung đẩy mạnh sản xuất, phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Từ những vấn đề phát sinh từ thực tế đặt ra, các đại biểu tham dự kiến nghị cần ưu tiên hàng đầu cho kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hoàn chỉnh cơ chế, luật pháp phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm thực thi hữu hiệu chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đồng thời cũng để khắc phục nhược điểm thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, chồng chéo trong thực hiện chính sách./.
Theo vovnews.vn