Chiều 21/3, trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết, đầu tư kém hiệu quả, phân bổ nguồn lực chưa hợp lý là nguyên nhân của tình trạng bội chi ngân sách nhiều năm.
- Thưa ông, sau khi đưa ra các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với thị trường ngoại tệ tự do thì người dân có nhu cầu ngoại tệ chính đáng khó mua đôla từ ngân hàng. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này?
- Các biện pháp quản lý về ngoại tệ đã được thể hiện trong pháp lệnh ngoại hối, nhưng trong thời gian qua, chúng ta thực hiện chưa nghiêm. Bây giờ, kiến nghị của Ủy ban Kinh tế là phải thực hiện đúng các quy định về thị trường ngoại tệ. Đương nhiên, trước mắt, phải có những biện pháp quản lý được nhưng đồng thời tạo điều kiện cho những tổ chức, cá nhân có nhu cầu bán hoặc mua ngoại tệ hợp lý có thể thực hiện được mục đích của họ.
Vì vậy, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, chúng tôi kiến nghị là một mặt có biện pháp kiên quyết nhưng phải phù hợp với đặc điểm của thị trường Việt Nam. Đừng làm những gì đột ngột quá.
- Lạm phát 3 tháng đầu năm đã hơn 6%, gần đến mức Quốc hội giao cho Chính phủ (7%). Quốc hội có cho phép điều chỉnh chỉ tiêu này?
- Tháng 1 và tháng 2 chỉ số giá tiêu dùng rất cao nên Chính phủ đã ra Nghị quyết 11 thể hiện thái độ rõ ràng là đặt ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng ta mới trải qua hơn 2 tháng nên chưa cần đặt vấn đề điều chỉnh chỉ số lạm phát nhưng rõ ràng việc thực hiện mục tiêu mà Quốc hội đặt ra cho năm 2011 là khó khăn.
Bây giờ, thái độ của chúng ta là phải quyết tâm kiềm chế, không cho tăng cao hơn nữa. Nghị quyết đặt vấn đề kiểm soát tổng phương tiện thanh toán ở mức 15-16%; dư nợ tín dụng khoảng dưới 20%, Chính phủ quyết định cắt giảm đầu tư công… Phải thực hiện nghiêm túc, tránh lặp lại như năm 2010, đầu năm thắt chặt tiền tệ rất quyết liệt nhưng cuối năm lại nới lỏng ra. Chính điều này đã gây ra hệ lụy mà chúng ta đang phải gánh chịu.
Ủy ban Kinh tế kiến nghị, giải pháp đưa ra mạnh mẽ nhưng tổ chức thực hiện phải khẩn trương, quyết liệt thì mới hiệu quả. Với những biện pháp Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 11, hy vọng tình hình sẽ ổn định trong những tháng tới đây.
- Chỉ số giá tiêu dùng đang ở mức cao, trong khi Chính phủ vẫn chủ trương điều hành theo thị trường đối với giá xăng, dầu, điện. Điều này có làm cho việc kiềm chế lạm phát thêm khó khăn?
- Để kiềm chế lạm phát phải thực hiện các giải pháp đồng bộ. Điều này đòi hỏi việc điều hành của Chính phủ vừa phải cương quyết nhưng vừa phải phù hợp với thực tiễn thị trường trong và ngoài nước. Tôi có niềm tin, với kinh nghiệm điều hành những năm gần đây và các nhóm giải pháp đã đưa ra, chúng ta sẽ kiềm chế được lạm phát.
- Mặc dù áp dụng nhiều biện pháp bình ổn vĩ mô nhưng năm vừa qua, lạm phát cao vẫn xảy ra đi kèm với một số mất cân đối của nền kinh tế. Ông có bình luận gì về điều này?
- Trong báo cáo của Chính phủ đã đưa ra rồi. Ngay cả trong báo cáo bổ sung, Chính phủ cũng đã có đánh giá cụ thể về nguyên nhân của tình hình chúng ta phải đối mặt như lạm phát tăng cao, một số cân đối lớn của nền kinh tế đang có tiềm ẩn bất ổn.
Ủy ban Kinh tế kiến nghị, nguyên nhân sâu xa tạo ra bất ổn tích tụ trong nội tại nền kinh tế từ nhiều năm (đầu tư kém hiệu quả, phân bổ nguồn lực chưa hợp lý). Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bội chi ngân sách nhiều năm, mất cân đối cán cân thanh toán và cũng là yếu tố làm lạm phát tăng cao.
Để giải quyết căn bản lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, bên cạnh các các giải pháp trước mắt mà Chính phủ đưa ra, phải thực hiện các chính sách dài hạn hơn như chuyển đổi các mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế thì mới giải quyết được căn nguyên của tình hình bất ổn kinh tế hiện nay.
Theo vnExpress