Cập nhật: 24/04/2011 17:40:36 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong Báo cáo tình hình KT – XH năm 2010 trình bày trước QH tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua của Chính phủ có nêu đầu tư cho nông nghiệp nông thôn chưa tương xứng, nhưng báo cáo chưa đưa ra con số cụ thể nên khó thấy được mức độ sâu sắc của nhận định này.

Thực ra không phải là năm 2010 mà đã lâu chúng ta đầu tư cho nông nghiệp chưa xứng tầm. Đầu tư cho nông - lâm - thủy sản năm 2009 chỉ bằng 6,26% tổng đầu tư toàn xã hội (44.380 tỷ đồng so với 708.826 tỷ đồng), trong khi GDP của ngành này là 20,91%. Trước đó năm 2008 thì tỷ trọng này còn cao hơn một chút, là 6,45% (39.759 tỷ đồng so với 616.735 tỷ đồng); năm 2005 cách đây 5 năm thì còn được 7,5% (25.749 tỷ đồng so với 343.135 tỷ đồng); năm 2000, cách đây 10 năm còn được 13,85% (20.933 tỷ đồng so với 151.183 tỷ đồng) với GDP của ngành này chiếm 24,53%. Nhưng từ đấy đến nay, tỷ trọng này giảm dần và chỉ còn 6,26%. Tôi e rằng năm 2011 sẽ còn giảm nữa và nếu như vậy sẽ gây tác động không tốt cho ngành nông nghiệp của chúng ta.

 

Rõ ràng đầu tư cho nông nghiệp ngày càng giảm, hiện nay bằng 30% so với trung bình tương đương giá trị GDP của chính ngành này mang lại. Chúng tôi cũng tìm hiểu xem phân khúc đầu tư nào vào khu vực này gây ra thấp như vậy?

 

Đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành này năm 2008 chỉ chiếm 0,32% (223,5 triệu USD so với 71.726 triệu USD) tổng đăng ký đầu tư FDI của họ đưa vào Việt Nam, năm 2009 là 0,58%. Toàn giai đoạn từ năm 1988 đến 2009 (4.379,1 triệu USD so với 194.429,5 trệu USD), 21 năm qua thì đầu tư cho ngành nông nghiệp của người nước ngoài vào lĩnh vực này có 2,25%, trong khi trung bình toàn bộ giai đoạn này GDP nông nghiệp chiếm 27,7%. Rõ ràng, ngành nông nghiệp không hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, cũng không hấp dẫn nhà đầu tư trong nước, nhưng có thể nói cũng không hấp dẫn các nhà hoạch định chính sách. Đó là điều rất đáng lo ngại.

 

Nói đến phát triển bền vững người ta thường hay nói là tăng trưởng kinh tế phải nhanh, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ và giữ gìn môi trường thì rõ ràng công bằng xã hội ở nông thôn là một vấn đề cần phải được quan tâm và bảo vệ môi trường cũng chính ở khu vực này.

 

Nước Anh vào năm 1900, tức là cách đây 110 năm, họ cũng thấy tăng trưởng của nông nghiệp chậm nên không đầu tư vào, họ chú trọng vào ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, lại ít rủi ro hơn ngành nông nghiệp. Sau 10 năm họ phát hiện rằng đó là một sai lầm và sai lầm đó suốt 100 năm nay họ không dám vi phạm trở lại. Đài Loan bắt đầu phải quay trở về chu kỳ 2, tái đầu tư trở lại cho nông nghiệp sau khi bị lãng quên. Hàn Quốc hiện nay riêng trong khuyến nông đầu tư cho 1 ha là 850 USD, trong khi khuyến nông của chúng ta hiện nay đầu tư cho 1 ha là 1 USD, tức là bằng 1/850 lần so với Hàn Quốc.

 

Đề nghị năm 2011 không nên tiếp tục giảm tỷ lệ đầu tư ở khu vực này và cần phải có một chính sách đồng bộ theo cách gọi là khung lôgic hay là phương pháp ma trận, tức là bây giờ người ta không lệ thuộc vào ý chí của một người mà lệ thuộc vào một phương pháp tính toán tối ưu với hiệu quả kinh tế nhất. Ví dụ như vừa qua để chuẩn bị kết thúc dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, QH đã có Nghị quyết 73 là đến năm 2011 sau khi dự án kết thúc thì Dự án này sẽ được chuyển sang đầu tư theo chương trình mục tiêu quốc gia. Thế nhưng, trong kế hoạch KT- XH năm 2011 chúng ta không đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia như QH đã nêu, cũng không được đầu tư tiền tương tự như năm 2010 là 1.425 tỷ đồng. Năm 2011 chúng ta chỉ bố trí 725 tỷ, chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Trong khi chúng ta tự kiểm điểm: độ che phủ rừng là 1 trong 5 chỉ tiêu năm nay không đạt. Không đạt chỉ tiêu này thì lẽ ra phải tăng tiền lên để thực hiện cho được thì ngược lại giảm tiền đi. Khi hỏi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là tại sao có chuyện như vậy thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời là Bộ Kế hoạch và Đầu tư không đồng ý. Rõ ràng có sự không đồng bộ tại đây và cần phải được sắp xếp một cách thật hợp lý, nếu không thì sẽ không có lợi cho sản xuất. Trong khi chúng ta nhập khẩu gỗ khoảng 1 tỷ USD/năm (khoảng 20.000 tỷ đồng), chúng ta mong giảm nhập siêu, chúng ta có thể khai thác rừng để giảm nhập khẩu gỗ, có loại giống cây rừng đã 15 năm tuổi, trồng từ năm 1994 của Chương trình 327 bây giờ có thể khai thác được, cây gỗ rừng có loại già nó cũng chết, nhưng chúng ta cứ để đó mà không khai thác gỗ để giữ độ che phủ rừng là sự thiệt hại cho kinh tế của đất nước.

 

... đến việc tích tụ đất đai

 

Trong một số báo cáo của Đảng và Nhà nước, trong đó có Chính phủ có nói về tích tụ đất đai. Hiện nay nhiều người hiểu tích tụ đất đai là đất sử dụng của người này chuyển cho người khác. Vùng đồng bằng có thể lên tới 3ha/ hộ. Hiện nay chúng ta có 9,2  triệu hộ nông dân và 9,5 triệu ha đất nông nghiệp, có nghĩa mỗi hộ có khoảng 1 ha đất nông nghiệp. Nếu một hộ có 3ha thì các hộ đâu đó sẽ là không có đất đai, người này sẽ đi làm thuê cho người kia. Trên miền núi có khoảng 14,7 triệu ha rừng và 3,8 triệu ha đất trống chưa sử dụng, vì còn một số chưa trồng rừng hết. Như vậy mỗi một hộ trung bình khoảng 3 ha rừng, nếu chúng ta cho phép chuyển sở hữu lên 50 ha thì một hộ nào đó có 50 ha thì tương đương sẽ có 17 hộ không có đất. Chính vì vậy sự giàu nghèo sẽ tiếp tục doãng ra. Hiện nay, khoảng cách giàu nghèo của chúng ta đã doãng ra rồi vì theo điều tra của Tổng cục thống kê năm 2006 thì khoảng cách giữa 20% người nghèo nhất của xã hội và 20% người giàu nhất là 8,4 lần; năm 2008 khoảng cách này là 8,9 lần. Nếu tình trạng này còn tiếp tục (vì một bên tăng trưởng kinh tế ở hộ nghèo 49%, bên hộ giàu tăng trưởng 58%) thì giàu nghèo còn tiếp tục doãng ra. Nếu như vậy công bằng xã hội sẽ không bảo đảm và sự phát triển của xã hội sẽ không được bền vững.

 

Trở lại lịch sử có thể thấy, năm 1955 - 1956 Việt Nam đã có chính sách chia đất cho nông dân, cho người cày có ruộng và đã tạo nên một hưng phấn mới trong xã hội và đạt được nhiều thành công. Hiện nay, tại Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đang có một hình thức tích tụ tương tự như vậy, 13 ngàn ha với sự đầu tư của ngành cao su là một quy mô lớn: đất là của hộ gia đình nông dân, họ góp vốn bằng giá trị đất thành cổ phần vào Công ty, họ lao động trên chính mảnh đất của mình và được trả lương hàng tháng theo mức lương khoán của Công ty, hiệu quả kinh doanh của Công ty họ được chia theo cổ phần giá trị đóng góp bằng đất. Đây là mô hình cần phải được nghiên cứu để có thể đưa vào ứng dụng: đất đai được tích tụ với quy mô lớn, được áp dụng giống cây chọn lọc tốt, thống nhất một quy trình chăm sóc và có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn. Vốn cần rất lớn để đầu tư, cho đến khi khai thác cần 74 triệu đồng/ha (nếu hộ gia đình có 3 ha, cần tới trên 220 triệu/hộ) là ngoài khả năng của hộ nông dân miền núi, nhưng đối với Công ty không khó như vậy, với ngân hàng họ cũng yên tâm cho Công ty vay vốn cho đến khi vào chu kỳ khai thác của cây cao su (7 – 8 năm).

 

 Và đề nghị không nên tích tụ đất nông - lâm - thủy sản theo hình thức chuyển quyền sở hữu để một bộ phận nông dân không còn đất sản xuất. Hiện nay, vấn đề này ở một số nơi đang rất nguy cấp. Chúng tôi đã có báo cáo  là có trường hợp chuyển 26 ngàn ha đất rừng phòng hộ thành rừng sản xuất rồi chuyển cho doanh nghiệp trồng rừng sản suất (trong đó có doanh nghiệp tư nhân) thì mấy chục ngàn người kia họ sẽ sống bằng gì? Việc chuyển đất rừng thành Công ty TNHH một thành viên theo hướng tích tụ đất đai ở một số nơi đang diễn ra cần phải được xem xét hết sức cẩn thận, tránh hiểu sai, làm sai hoặc tránh làm nảy sinh phức tạp trong xã hội.

 

 

Theo Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm