Cập nhật: 27/04/2011 16:33:51 Article Rating
Xem cỡ chữ

Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của cả nước tăng 3,32% so với tháng trước. Ðây là mức tăng CPI cao nhất kể từ đầu năm đến nay và với mức tăng này, CPI bốn tháng đầu năm đã tăng tới 9,64%.

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, trong những tháng tới, tốc độ tăng CPI có thể chậm lại, không còn cao như mức tăng của tháng 4 do tác động có độ trễ của việc thực hiện một loạt những giải pháp trong Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Những giải pháp này đang bước đầu phát huy tác dụng, thể hiện rõ nhất ở hai chỉ số giá vàng và USD trong tháng 4 đã giảm 1,2% và 1,61% so với tháng trước.

 

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chủ quan bởi những tháng còn lại của năm vẫn tiềm ẩn rất nhiều yếu tố khó lường. Tác động của việc tăng giá xăng, dầu trong nước ngày 29-3 vừa qua được cho là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng 4 tăng cao đột biến. Ðiển hình như nhóm giao thông, một trong những nhóm chịu tác động trực tiếp từ việc tăng giá xăng, dầu, đã có mức tăng giá cao nhất trong tháng 4 và chỉ riêng nhóm hàng này đã góp phần tăng CPI tháng 4 chung của cả nước thêm 0,54%. Trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện lộ trình điều hành giá xăng, dầu, điện theo cơ chế thị trường sẽ tạo sức ép lên CPI từ nay đến cuối năm. Chưa kể tâm lý tăng giá 'té nước theo mưa' mỗi khi Nhà nước điều chỉnh giá các loại nhiên liệu đầu vào này. Không những thế, từ ngày 1-5 tới, Nhà nước thực hiện tăng lương tối thiểu lên 830 nghìn đồng/tháng và tình trạng tăng giá té nước theo mưa sẽ lại tiếp tục diễn ra nếu không có những biện pháp kiểm soát thị trường chặt chẽ. Bên cạnh đó, giá cả trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ tác động mạnh tới mặt bằng giá trong nước...

 

Tình hình này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương triển khai quyết liệt, nghiêm túc Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Không thể chủ quan, trông chờ vào tác động có độ trễ của các chính sách, giải pháp mà ngược lại, cần nhanh chóng, chủ động triển khai để các giải pháp trong nghị quyết này sớm phát huy hiệu quả, góp phần kiềm chế ngay tốc độ tăng giá. Việc chỉ đạo, điều hành kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội cũng cần bám sát thực tiễn để kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề phát sinh đồng thời có thể điều chỉnh hoặc đề xuất những chính sách cho phù hợp thực tiễn. Mới đây, từ thực tiễn tại TP Hồ Chí Minh, nhiều hộ kinh doanh nhà trọ cho công nhân, sinh viên thuê, nhà trẻ trong khu công nghiệp... cam kết không tăng giá, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị giảm thuế khoán cho các hộ kinh doanh này. Kiến nghị đã được Tổng cục Thuế chấp thuận bằng quyết định giảm 20% thuế khoán cho những hộ kinh doanh nếu thực hiện đúng cam kết. Ðây là giải pháp vừa ngăn chặn tình trạng tăng giá 'ồ ạt' các loại hàng hóa, dịch vụ vừa hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho người có thu nhập thấp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Rõ ràng, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, thanh tra về giá, để ngăn chặn tình trạng tăng giá 'té nước theo mưa', rất cần nhiều chính sách tương tự nêu trên.

 

 

 

Theo Nhandan Online

 

Tệp đính kèm