Việt Nam và các quốc gia châu Á cũng đang phải đối mặt với nguy cơ lạm phát cao và dòng vốn nước ngoài gia tăng vào khu vực
Ngày 4/5, Hội nghị Thường niên Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44 đã chính thức khai mạc. Một lần nữa, hàng loạt vấn đề xét ở cả 2 bình diện thách thức và cơ hội mà Việt Nam cùng các thành viên ADB đặc biệt quan tâm đã được đưa ra. Đây được xem như là những vấn đề không chỉ là của châu Á mà còn mang tính toàn cầu, cần sự “kết nối” của cả châu Á để giải quyết như lời của Chủ tịch ADB phát biểu tại phiên khai mạc.
Chủ tịch ADB, ông Haruhiko Kuroda đưa ra những dự báo đáng quan tâm, tăng trưởng bình quân của khu vực châu Á sẽ chậm lại, dự kiến đạt khoảng 7,8% so với mức 9% của năm 2010 vừa qua. Năm 2012, các nền kinh tế châu Á sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng này ở mức thấp hơn 7,7%. Ông Kuroda cũng cho rằng, các nền kinh tế châu Á đang chứng tỏ khả năng vượt qua những “cú sốc” về khủng hoảng kinh tế toàn cầu khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đang phục hồi trở lại.
Trước mắt, các nước châu Á sẽ chịu ảnh hưởng ngắn hạn của thảm họa sóng thần tại Nhật Bản. Một số nền kinh tế tăng trưởng nóng đã bắt đầu cần phải xem xét lại các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát. Sau khi duy trì ở mức thấp 4,4% trong năm 2010, lạm phát sẽ bùng phát trở lại trong năm nay do sự tăng trưởng nóng ở một số nền kinh tế và cú sốc giá lương thực, nhiên liệu. Chính vì thế các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc các biện pháp kiểm soát lạm phát bởi những công dân nghèo nhất trong các quốc gia sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi điều này. Trong khi đó thực tế là là châu Á hiện còn hàng trăm triệu người thuộc diện nghèo nhất thế giới, ông Kuroda cho biết.
Ngân hàng phát triển châu Á cũng cho rằng, với các nước thành viên ADB, 5 vấn đề chủ chốt đóng vai trò thiết yếu nhằm khai thông tiềm năng phát triển của khu vực gồm: nâng cao vai trò lãnh đạo và cam kết quản trị điều hành hợp lý, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư khổng lồ, cải tổ hệ thống tài chính, chia sẻ kinh nghiệm phát triển, đồng thời gia tăng hợp tác và hội nhập khu vực.
Theo tính toán, từ nay đến 2020, mỗi năm châu Á cần khoảng 750 tỷ USD cho đầu tư phát triển hạ tầng, kể cả phần cứng lẫn phần mềm. Theo nhận định của Chủ tịch ADB, Haruhiko Kuroda, việc “đầu tư phát triển hạ tầng đang thiếu hụt hiện nay là chìa khóa để đạt được sự tăng trưởng bền vững”. Đây cũng là mô hình một số nước phát triển ở châu Á như Nhật Bản đã áp dụng thành công.
Ông Motoyuki Odachi, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi có kinh nghiệm về phát triển hạ tầng giao thông, như phát triển các tuyến đường sắt, bằng cách kết hợp đầu tư của Chính phủ với tư nhân. Khi hạ tầng được cải thiện, sẽ thu hút người dân tham gia đầu tư, cũng như sinh sống tại những vùng đó, khoảng cách giữa đô thị và nông thôn được rút ngắn lại, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao. Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các nước đang phát triển”.
Cũng xin nhấn mạnh là trước đây vài ngày, trong khuôn khổ của Hội nghị ADB lần thứ 44 , Phó Thủ tướng Chỉnh phủ Hoàng Trung Hải cho biết, nền kinh tế Việt Nam sẽ cần khoảng 300 tỷ USD cho đầu tư phát triển, chỉ riêng trong giai đoạn 2011 - 2015. Theo nhận định chung của nhiều chuyên gia tài chính thì việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng là một bước đi đúng hướng.
Chia sẻ quan điểm này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho rằng, bên cần vấn đề huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, Việt Nam và các quốc gia châu Á cũng đang phải đối mặt với nguy cơ lạm phát cao và dòng vốn nước ngoài gia tăng vào khu vực. Vấn đề là cần phải nắn chỉnh các dòng vốn để phát huy hiệu quả cao nhất.
“Theo nhận định chung, châu Á tiếp tục tăng trưởng trung bình ở mức 7%, nhưng vẫn cần cân nhắc thận trọng thời điểm và cách thức thoái lui các chương trình kích cầu. Đồng thời, các quốc gia cần xây dựng khuôn khổ kinh tế đặc biệt để đảm bảo dòng vốn này được quản lý phù hợp, tạo được động lực phối hợp rộng hơn nhằm ổn định tài chính, từ đó tái cân bằng nền kinh tế và đảm bảo tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, vấn đề không kém phần quan trọng là châu Á cần giảm phụ thuộc vào tăng trưởng xuất khẩu và cố gắng thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu trong nước”, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.
Có thể xem những thách thức lớn đối với Châu Á hiện tại là phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, vấn đề an ninh lương thực, phát triển hạ tầng, biến đổi khí hậu, mất cân đối kinh tế... Với vị thế và tiềm lực của mình, Châu Á đang đứng trước cơ hội lịch sử để kết nối toàn cầu, giải quyết những thách thức của châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung.
Nói như thế bởi hiện tại, Châu Á có tới 6 thành viên trong nhóm G20. Châu Á đang ngày càng hợp tác Nam - Nam một cách hiệu quả hơn. Với cách nhìn nhận như thế, Châu Á đã đến lúc cần đảm nhiệm trách nhiệm toàn cầu lớn hơn. Trong nỗ lực đó, ADB cam kết sẵn sàng đối thoại châu Á để ổn định kinh tế và giải quyết những thách thức đã và đang đặt ra./.
Theo vovnews.vn