Cập nhật: 15/05/2011 15:28:37 Article Rating
Xem cỡ chữ

 Cuộc chạy đua “lãi suất ngầm” đang làm méo mó thị trường lãi suất, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định trần lãi suất huy động ở mức 14%, song những ngày gần đây, lãi suất huy động vốn có kỳ hạn tại một số ngân hàng thương mại lại lên tới 17-19%/năm; cộng thêm các chi phí khác, buộc lãi suất cho vay cũng phải tăng theo, dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải vay ngân hàng với lãi suất lên đến từ 22 - 23% một năm. Cuộc chạy đua “lãi suất ngầm” đang làm méo mó thị trường lãi suất, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu không có biện pháp ngăn chặn sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế.

 

Bà Đặng Thị Thanh Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần may Vĩnh Phát, Hà Nội cho biết, từ 2 tháng nay, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để đầu tư sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Vay ở ngân hàng thương mại có vẻ nhanh hơn, nhưng phải chấp nhận mức lãi suất từ 21-23%/năm. Trong khi hiện nay, nguyên vật liệu đầu vào tăng đến 20- 30%; cộng thêm với lãi suất cao “ngất ngưởng”, đã khiến chi phí sản xuất đội lên, giá thành cũng vì vậy mà tăng cao, sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường.

 

Bà Đặng Thanh Hương phân tích: “Hiện doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất 21%, gọi là “ưu đãi” nhưng vẫn quá cao so với năm 2010, chỉ ở mức 15%. Đồng vốn dùng nhiều nhưng vòng quay chậm, lợi nhuận khó duy trì được như năm 2010. Để vay được ngân hàng, doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp cũng như có uy tín, cho nên doanh nghiệp phải xác định giảm lợi nhuận, tiết kiệm tối đa”.

 

Theo bà Hương, năm 2011, các doanh nghiệp  “hoà vốn” đã là thắng lợi, đồng thời bày tỏ hy vọng lãi suất sẽ sớm trở lại như trước.

 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại tăng lên đến 21%, thậm chí có ngân hàng đẩy lãi suất cho vay lên đến 25-27%, là do lãi suất huy động đã vượt rất xa trần lãi suất 14% như quy định của NHNN.

 

Không công khai, nhưng để tăng nguồn vốn, một số ngân hàng nhỏ sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất huy động từ 17%, thậm chí lên đến 19 - 22%. Dẫn đến tình trạng, người dân sẵn sàng rút tiền từ ngân hàng đang gửi chuyển sang ngân hàng có mức lãi suất huy động cao hơn. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng lớn dù không thiếu vốn, cũng buộc phải điều chỉnh tăng lãi suất để giữ khách.

 

Các chuyên gia kinh tế lo ngại, với lãi suất cao như thế, doanh nghiệp cần tiền thực sự sẽ khó tiếp cận vốn vay. Trong khi đó, giới đầu cơ lại vay được lượng lớn nguồn tiền gửi. Đây là mối nguy tổng dư nợ khó đòi sẽ tăng cao, gây khó khăn cho thanh khoản của ngân hàng.

 

Bà Lê Thị Tuấn Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho rằng: “Người gửi tiền nhận được lãi suất cao, nhưng nếu lạm phát, thì lãi suất thực vẫn ở mức âm. Người gửi muốn lãi suất cao hơn có thể chuyển ngân hàng hoặc rút trước hạn sẽ chịu lãi suất thấp hơn khi rút đúng hạn. Nếu đầu tư vào ngân hàng có năng lực tài chính kém, sẽ rủi ro, mất vốn… Ngân hàng khi huy động vốn với lãi suất cao sẽ cho vay với mức lãi suất cao, cho nên tiềm ẩn rủi ro và chính ngân hàng cũng cần thận trọng. Khi huy động lãi suất cao hơn quy định, ngân hàng phải lách luật, gây phức tạp trong hạch toán chênh lệch”.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, câu chuyện chạy đua lãi suất, thậm chí vượt trần, là không mới. Mỗi khi Chính phủ thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, các ngân hàng thương mại bị thiếu vốn, phải đẩy lãi suất huy động và lãi suất cho vay lên cao khiến cuộc đua lãi suất ngày càng gay gắt.

 

Sự chênh lệch tương đối lớn về lãi suất giữa các ngân hàng không tạo ra mặt bằng thực sự của lãi suất thị trường, vì vậy không tạo ra tính minh bạch. Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, NHNN cần kiểm tra xử lý sai phạm về lãi suất. Mặt khác cũng cần có thêm nhiều biện pháp khác, không chỉ dừng lại ở các biện pháp hành chính.

 

Lãi suất đầu vào bị khống chế, lãi suất đầu ra lại thả nổi - nghịch lý này đang làm méo mó tình hình cung - cầu nguồn vốn cho nhu cầu phát triển, ảnh hưởng xấu đến quá trình thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc phải lập lại trật tự thị trường, minh bạch hóa hoạt động tài chính kế toán cũng như hạn chế rủi ro trong quản trị nguồn và sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng. Từ đó, ổn định thị trường tiền tệ, lãi suất, đưa nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả vào nền kinh tế./.

 

 

 

Theo vovnews.vn

Tệp đính kèm