Từ 1/6, điện thoại di động nhập khẩu về Việt Nam sẽ chỉ được đi bằng đường biển. Đang rơi vào tình trạng ế ẩm trong vài ba tháng trở lại đây, bỗng dưng, thị trường điện thoại di động xách tay dường như được “thổi” một luồng khí mới trước quyết định của Bộ Công Thương từ ngày 1/6 tới đây, điện thoại di động chính ngạch sẽ chỉ được phép nhập khẩu về Việt Nam qua đường biển…
Khó cho hàng chính ngạch
Theo bản Thông báo số 197/TB-BCT được Bộ Công thương ban hành hôm 6/5 vừa rồi, từ ngày 1/6/2011, điện thoại di động cùng với một số mặt hàng khác là rượu và mỹ phẩm, sẽ chỉ được phép nhập khẩu về Việt Nam qua cảng biển Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM. Trong khi đó, hàng xách tay mang theo người của khách nhập cảnh thì lại được loại trừ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định mới này của Bộ Công Thương sẽ làm khó hàng nhập khẩu và tạo cơ hội lớn cho hàng xách tay, hàng nhập lậu gia tăng.
Không chỉ “khó” trong việc được vận chuyển về Việt Nam, các thủ tục nhập khẩu điện thoại chính ngạch cũng bị siết chặt hơn trước khá nhiều. Ngoài các chứng từ xuất trình cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu theo quy định hiện hành, phía Bộ Công Thương đã đặt ra thêm một loạt điều kiện mới như: doanh nghiệp phải xuất trình thêm giấy chỉ định hoặc ủy quyền là nhà phân phối, nhập khẩu của chính hãng sản xuất, kinh doanh hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh mặt hàng. Các giấy tờ nói trên còn phải được lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa theo quy định của pháp luật.
Việc siết chặt này được Bộ Công Thương giải thích nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ người tiêu dùng, chống việc nhập khẩu hàng giả, hàng kém chất lượng và tăng cường chống gian lận thương mại. Tuy nhiên, đó dường như chỉ là quan điểm một phía. Bởi ngay sau khi thông báo trên được đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng đây là một chính sách làm khó cho doanh nghiệp vốn hoạt động nhập khẩu điện thoại “đường đường, chính chính”.
Trước thông tin của Bộ Công Thương đưa ra, đại diện VinaPhone, một trong hai doanh nghiệp được Apple uỷ quyền phân phối sản phẩm iPhone 3Gs, iPhone 4 tại Việt Nam cho biết, họ không khỏi lo lắng trước quyết định siết chặt lần này. Bởi lẽ, các sản phẩm iPhone 3Gs, iPhone 4 chắc chắn cũng không tránh khỏi trong danh sách những sản phẩm chính ngạch bị siết hơn ở khâu nhập khẩu.
Đại diện mạng VinaPhone cho hay, mỗi lô hàng iPhone được nhập về trước nay vốn đã nhỏ giọt chỉ vài trăm tới ngàn chiếc, cứ lô nào về Việt Nam là cháy hàng, không đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Giờ bị hạn chế thế này, khả năng đáp ứng của doanh nghiệp ra thị trường sẽ còn khó khăn hơn.
Việc phải mất tới hàng tháng trời “lênh đênh” trên biển, rồi khi về tới Việt Nam, hàng loạt các thủ tục hải quan mà doanh nghiệp phải thực hiện sẽ khiến khách hàng chờ đợi thêm là hàng loạt yếu tố khiến hàng chính ngạch với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm đến tay người tiêu dùng chậm, muộn hơn hẳn hàng xách tay.
Với những sản phẩm công nghệ cao thế này, vòng đời mỗi sản phẩm chỉ một vài tháng đã trở nên lỗi mốt, nếu chỉ có “cửa” về Việt Nam thông qua đường biển thì không hiểu nó sẽ còn được người dùng đón nhận ở mức độ nào? Hay chỉ còn nước cất kho.
Thời của hàng xách tay?
Bắt đầu đi xuống từ tháng 3/2011, thị trường di động xách tay vốn đang phải chứng kiến doanh số sụt giảm lớn. Các cửa hàng lớn tại TP HCM đều cho biết, sức mua giảm mạnh trong tháng 5 này, thấp hơn 30 đến 40% so với đầu năm, mặc dù, gần đây có sự xuất hiện của các mẫu máy mới. Thế nhưng, bức tranh ảm đạm này sẽ kết thúc sớm trước thông báo 197 của Bộ Công Thương.
Thực tế lâu nay trên thị trường điện thoại di động Việt là hầu hết những sản phẩm công nghệ “đỉnh” của thế giới như iPhone 3G, 3Gs, iPhone 4 của Apple… nếu muốn có mặt sớm tại thị trường trong nước đều đi qua con đường tiểu ngạch là hàng xách tay. Hiện giờ, ở Việt Nam mới chỉ có hai mạng VinaPhone và Viettel chính thức được Apple uỷ quyền phân phối những siêu phẩm của họ. Còn với các cửa hàng, doanh nghiệp nhỏ tại Hà Nội kinh doanh mặt hàng này đều là nguồn... không chính thống.
Khi chưa có quyết định của Bộ Công Thương, hai doanh nghiệp VinaPhone và Viettel đã phải cung cấp ra thị trường những sản phẩm này với số lượng khá nhỏ giọt, và bao giờ cũng chậm sau các sản phẩm xách tay khá nhiều. Chính thế nên bao giờ ở thời điểm mới có mặt trên thị trường, các siêu phẩm xách tay luôn bị thổi giá, làm giá cao so với mức giá của nhà sản xuất đưa ra rất lớn. Chỉ khi mặt hàng chính ngạch có mặt tại Việt Nam thì sức nóng của giá cả mới dịu bớt.
Và giờ, cả doanh nghiệp hiện đang cung cấp sản phẩm chính ngạch và người dùng lại cùng đứng trước lo ngại với nhận định, văn bản mới của Bộ Công Thương sẽ khiến điện thoại hàng xách tay, nhập lậu lên ngôi. Khó khăn về nhập khẩu, nhất là về mặt thời gian được dự báo sẽ khiến người tiêu dùng phải tiếp cận sản phẩm xách tay với giá cao hơn.
Hàng xách tay, nhập lậu có thêm kha khá thời gian để hàng xách tay làm mưa làm gió trên thị trường trong hàng chính ngạch vẫn đang phải lo vượt đại dương để đến được tay người dùng. Như thế, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ khó có thể được đảm bảo như mục tiêu mà Bộ Công Thương đã đặt ra.
Theo Báo điện tử VnMedia