Cập nhật: 24/05/2011 16:31:58 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011, thách thức trước mắt đối với nền kinh tế vẫn là lạm phát cao. Với đặc thù của Việt Nam, việc chống lạm phát phải hết sức kiên trì mới phát huy hiệu quả chính sách.

Trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011, phần phân tích diễn biến lạm phát năm nay đã đượåc nhóm nghiên cứu đặt trong tổng thể một thập kỷ chống lạm phát ở nước ta. Bài học từ những chính sách vĩ mô thận trọng và việc quản lý tỷ giá chặt chẽ trong những năm 1990 cộng với tác động của khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 đã giúp giảm lạm phát trong nước, từ mức siêu lạm phát trong những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Lạm phát đã được duy trì ở mức thấp trong giai đoạn 2000-2003 dù tốc độ tăng cung tiền và tín dụng cao. Nhưng lạm phát đã bắt đầu tăng trở lại từ năm 2004, đạt đỉnh điểm năm 2008, ở mức 20%, giảm xuống 7% năm 2009, tăng trở lại gần 12% trong năm 2010 và tiếp tục tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm nay.

 

Nhìn nhận lại việc điều hành chính sách chống lạm phát thời gian qua, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp chống lạm phát thông qua chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất dường như còn thụ động, chỉ được áp dụng khi lạm phát đã xảy ra rồi, khiến hiệu lực không cao. Trong khi đó, ký ức về lạm phát trong dân đã tồn tại lâu dài, khiến cho lạm phát thấp dễ bị đẩy lên cao, nhưng lạm phát cao thì cân bằng bền, gây khó khăn cho các giải pháp kiểm soát lạm phát và đòi hỏi phải duy trì các chính sách lâu dài, người điều hành đủ kiên nhẫn.

Bài học của năm 2010 cho thấy, việc thiếu kiên nhẫn trong điều hành chính sách chống lạm phát: đầu năm thắt chặt, cuối năm nới lỏng đã để lại hệ quả cho những tháng đầu năm nay.

 

Xem xét diễn biến lạm phát năm 2011, cho thấy độ trễ của chính sách nới lỏng tiền tệ, tài khóa từ quý IV năm ngoái đã cộng hưởng mạnh với tác động điều hành chính sách trong quý I năm nay như việc điều chỉnh giá các nguyên nhiên liệu đầu vào của nền kinh tế như: điện, than, xăng dầu theo lộ trình thị trường hóa, điều chỉnh mạnh tỷ giá đồng Việt Nam với USD đã khiến chỉ số giá hàng hóa 4 tháng đầu năm tăng cao kỷ lục, hơn 9% so với tháng 12 năm ngoái. 

 

Qua 2 tháng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng, với việc thị trường ngoại hối cơ bản được kiểm soát, niềm tin vào đồng nội tệ trong dân chúng đã tăng lên. Một số địa phương đã có thống kê ban đầu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5. Thủ đô Hà Nội sau mức tăng CPI kỷ lục 3,3% của tháng 4, thì tháng này CPI đã giảm tốc đáng kể, còn 1,76%, Long An CPI tháng 5 tăng 2,36% só với tháng trước... Có thể thấy, sau 4 tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh, thì đến tháng 5 này mức độ tăng đã được kìm lại, nhưng vẫn đứng ở mức cao so với cùng kỳ năm ngoái. Sức tiêu dùng giảm, nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, cung tiền thắt chặt giúp giảm sức ép tăng giá, lạm phát. Đây là dấu hiệu khả quan trong cuộc chiến chống lạm phát cao. Nhưng, kịch bản lạm phát của năm 2010 hoàn toàn có thể lặp lại, nếu Chính phủ thiếu kiên trì, quyết liệt trong thực hiện chính sách. 

 

Hiện nay, đang có sự vênh trong triển khai chính sách. Trong khi điều hành tiền tệ theo hướng thắt chặt, thậm chí còn được một số chuyên gia kinh tế nhận định là quá chặt, thì chính sách tài khóa dường như đang đứng ngoài cuộc, với việc cắt giảm đầu tư công chưa có lộ trình cụ thể, rõ ràng.

 

Chúng ta nhớ lại khuyến nghị của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ thế giới, khi có mặt tại Việt Nam dự Hội nghị thường niên Ngân hàng phát triển châu Á lần thứ 44 hồi đầu tháng này. 3 điểm bất cập trong hoạch định chính sách của Việt Nam, trong đó có chính sách chống lạm phát là thiếu cấu trúc chính sách chặt chẽ; phối hợp giữa các bộ kém; ngân sách, nhân lực, khung pháp lý cần thiết cho việc thực hiện không được cung cấp đầy đủ, thiếu sự tham gia của các bên liên quan. Do vậy, để chống lạm phát hiệu quả, phải triển khai đồng bộ các giải pháp.

 

Khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế trong nước, thể hiện qua Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011 vừa được công bố trong tuần này, cũng khá tương đồng quan điểm với các chuyên gia quốc tế của các định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế hay Ngân hàng Phát triển châu Á, là trong khi triển khai thắt chặt chính sách chống lạm phát ở Việt Nam, cần xác định kiểm soát chặt khu vực công, vốn đang sử dụng các nguồn lực kém hiệu quả, đồng thời có chính sách khuyến khích khu vực tư nhân phát huy tính năng động, tạo ra động lực mới cho phát triển, tránh đà suy giảm kinh tế, bất ổn vĩ mô - thường là hậu quả đi kèm của một nền kinh tế xảy ra lạm phát cao, kéo dài.

 

 

 

Theo Báo điện tử ĐBND

 

Tệp đính kèm