5 tháng vừa qua, việc triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đạt kết quả ban đầu tích cực, nhất là trong việc kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, tín dụng
Chiều 3/6, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo, thông báo kết quả phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5.
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong phiên họp thường kỳ tháng 5 tổ chức ngày 1 và 2/6, Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận và đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế xã hội từ nay đến cuối năm.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: 5 tháng vừa qua, việc triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đạt kết quả ban đầu tích cực, nhất là trong việc kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, tín dụng, quản lý thị trường ngoại tệ và vàng; thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, giảm đầu tư công, khắc phục dàn trải, kém hiệu quả, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, bảo đảm an sinh xã hội. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng đã được tổ chức tốt. An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Trên cơ sở diễn biến tình hình kinh tế xã hội từ nay đến cuối năm còn nhiều khó khăn và sức ép tăng giá hàng hóa từ thị trường thế giới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá giá cả, thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian tới.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Bộ Công thương đã thông tin về một số vấn đề dư luận đang quan tâm, như siết chặt nhập khẩu ô tô, một trong ba mặt hàng được quy định trong Thông tư 20 của Bộ Công thương (gồm ô tô, điện thoại di động và mỹ phẩm), điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá ngoại tệ và vàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thu hút đầu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các giải pháp kiềm lạm phát… Từ đầu năm đến nay, kim ngạch nhập khẩu ô tô 9 chỗ trở xuống tăng đột biến, lên đến 56% về số lượng và hơn 75% về giá.
Theo khẳng định của ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương, đây là một trong những việc làm của Bộ để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, giảm tải hạ tầng cơ sở giao thông trong nước: “Biện pháp để chúng tôi áp dụng đảm bảo lành mạnh hóa thị trường. Thứ nhất là đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng ô tô cũng như là những yêu cầu về an toàn giao thông đối với hợp đồng đã ký trước ngày 12/5 tức là trước ngày ban hành Thông tư này. Hiện nay chúng tôi đang tập hợp các thông tin từ các nhà nhập khẩu nếu mà có những chứng cứ chính đáng xác minh được chắc chắn cụ thể được lượng hàng mà doanh nghiệp đã ký nhưng với điều kiện đã tiến hành đặt hàng ví dụ như thanh toán hoặc là hàng đang trên đường về Việt Nam không về kịp trước ngày 26/6 thì chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý”.
Liên quan việc điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho biết: Đến ngày 31/5 tăng trưởng tín dụng là 6,92%. Về cơ cấu cho sản xuất là tăng 25%, tức là toàn bộ tăng trưởng tín dụng gần như tập trung ưu tiên cho khu vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ. Thì đến cuối tháng 5 này cơ cấu này giảm xuống còn 16,91%, phi sản xuất giảm từ 18,87% xuống còn khoảng 16%.
Về việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, 5 tháng vừa qua, số lượng dự án đầu tư nước ngoài giảm nhưng số vốn đăng ký lại tăng lên. Trong thời gian tới, để cải thiện tình hình, cùng với đà khôi phục nền kinh tế thế giới, Việt Nam tiếp tục tổ chức xúc tiến đầu tư ở các nước./.
Theo VOVNEWS