Tương lai của cây lúa Việt Nam sẽ ra sao, trong bối cảnh an ninh lương thực (ANLT) đang là thách thức cho toàn thế giới?
Ông Steven Jaffee, Điều phối viên Ban Nông thôn - Ngân hàng Thế giới (WB), ví von: “Việt Nam đang nuôi cả thế giới”. Đó là ông nói về xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những năm qua. Nhưng tương lai sẽ ra sao?
Đây là một trong những chủ đề chính được đặt ra tại hội thảo “Lúa gạo, nông dân và Phát triển nông thôn ở Việt Nam: Từ tăng trưởng thành công đến thịnh vượng bền vững”, do Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 13.6.
Theo Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Bùi Bá Bổng, hiện nay diện tích đất lúa vẫn chiếm 44% đất nông nghiệp; diện tích gieo trồng lúa chiếm 61% diện tích trồng trọt cả nước. Tính về khối lượng, Việt Nam đang chiếm khoảng 22% lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới và dự kiến sản lượng xuất khẩu sẽ vượt qua 7 triệu tấn vào năm nay. Trong bối cảnh ANLT đang là thách thức cho toàn thế giới, theo ông Bổng: “Việt Nam đứng trước yêu cầu hoạch định chiến lược mới cho phát triển lúa gạo trong 10 năm, 20 năm tới và xa hơn…”. Ông Steven Jaffee nhận định: “Theo kịch bản xấu nhất vào năm 2030, Việt Nam vẫn có thặng dư gạo để xuất khẩu”.
Tuy nhiên, theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, sản xuất lúa gạo trong tương lai tại Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn bởi phải đáp ứng cả nhu cầu sinh kế của người nông dân.
Cụ thể, theo kết quả Nghiên cứu nhóm do các cơ quan Việt Nam phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế thực hiện (WB điều phối chung), Chính phủ Việt Nam đã xác định chính sách bảo vệ đất lúa bằng cách hạn chế chuyển đổi, kể cả cho mục đích phi nông nghiệp lẫn chuyển đổi sang các mục đích nông nghiệp khác. Mục tiêu của chính sách là giữ lại 3,8 triệu ha đất dành cho trồng lúa. Tuy nhiên, khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh, nông dân không thể kiếm sống hợp lý từ nông nghiệp, hoặc từ bỏ, thu hẹp nghề nông. Nếu không cải thiện chuỗi giá trị lúa gạo để đem lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân, chắc chắn diện tích lúa sẽ bị đe dọa.
Do đó, theo các chuyên gia, Chính phủ Việt Nam cần xem xét để cải thiện chính sách để hỗ trợ nhiều hơn cho người trồng lúa, thậm chí dần từ bỏ kiểm soát hành chính đối với đất nông nghiệp. Phải ủng hộ hiện đại hóa chuỗi giá trị lúa gạo, khâu tiêu thụ lúa và xuất khẩu gạo được tổ chức tốt hơn, hiệu quả hơn; lợi ích của khâu sản xuất - tiêu thụ - xuất khẩu được chia sẻ công bằng hơn, nhằm đem lại lợi nhuận cao hơn, kích thích nông dân hăng hái với cây lúa. Việc lợi nhuận từ cây lúa tụt giảm làm nông dân nản lòng, không tiếp tục trồng lúa chính là nguy cơ lớn nhất đe dọa tính bền vững của ANLT Việt Nam.
Theo Thanh Tâm/Thanh Niên Online