Cập nhật: 14/07/2011 15:43:12 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời gian vừa qua, giá nhiều loại thực phẩm trên thị trường đã tăng cao đến chóng mặt, điển hình là thịt lợn tại các chợ ở Hà Nội đã tăng hơn 100%. Trước thực tế này, các nhà quản lý nhận định việc kiềm chế tăng giá, ổn định cung cầu thị trường là ưu tiên số một hiện nay.

Nhiều loại thực phẩm tăng giá chóng mặt

 

Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, 6 tháng đầu năm lạm phát chỉ ở mức 13% nhưng giá thịt gia cầm tăng tới 40- 60%, thịt lợn tăng 70%. Hiện giá thịt lợn hơi ở miền Nam 62.000 đồng/kg, ở miền Bắc 67.000 đồng/kg, cao hơn so với một số nước trong khu vực như Lào, Thái Lan, hiện đang ở mức 55.000 đến 60.000 đồng/kg…

 

Cùng với giá thịt lợn, giá rau trên thị trường cũng tăng nhanh. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), bão số 2 đã làm hỏng một phần lớn diện tích rau trong khi sản lượng rau nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 10% đã ảnh hưởng tới nguồn cung trên thị trường, do vậy, giá rau đã tăng cao, có nơi tăng khoảng 50%.

 

Riêng trên địa bàn Hà Nội, theo số liệu tiêu dùng tháng 7 năm 2010 của Cục thống kê Hà Nội, giá các loại thịt lợn chỉ 45.000-70.000 đồng mỗi kg. Đến tháng 12 năm 2010, giá đã lên ngưỡng 70.000-90.000 đồng, tăng từ 25-50% mỗi kg. Không dừng lại, tính đến tháng 7 năm 2011, mức giá này bị đẩy lên đến 110.000-140.000. Như vậy, trong vòng một năm, giá thịt lợn tại các chợ ở Hà Nội đã tăng hơn 100%.

 

Tốc độ tăng giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm đã tác động đến đời sống người dân và khiến nhiều gia đình phải tiết kiệm tiêu dùng để đối phó. Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), một trong những nguyên nhân cơ bản gây sức ép tăng giá là do giá hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm và xăng dầu cùng các loại nguyên liệu cơ bản trên thị trường thế giới đã tăng mạnh.

 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội phân tích 3 nguyên nhân gây tăng giá, gồm: nguồn cung hàng hóa (trong đó có thực phẩm) giảm mạnh do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh; tổng cầu tăng đột ngột do thương nhân Trung Quốc bất ngờ mua gom nhiều loại hàng của Việt Nam (đặc biệt là nông sản, thực phẩm) với giá cao gây mất cân đối cung - cầu. Trong khi đó, hệ thống phân phối lại tổ chức chưa tốt dẫn đến tình trạng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng khó kiểm soát và không đồng nhất… Những yếu tố này góp phần khiến giá hàng hóa diễn biến bất thường và khó kiểm soát.

 

Tìm giải pháp bình ổn thị trường

 

Trước thực tế giá cả các mặt hàng tăng cao, ngày 12-7, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT đã có cuộc họp triển khai thực hiện công điện số 1120/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường.

 

Tại cuộc họp, Bộ NN&PTNT đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến giá thịt tăng cao là do sau dịp Tết Nguyên đán, dịch lở mồm long móng bùng phát mạnh trong tháng 3/2011. Đến đầu tháng 5, dịch tai xanh bùng phát khiến người dân e ngại dịch và chăn nuôi cầm chừng nên nguồn cung ngày càng giảm. Ngoài ra, thông thường vào tháng 6, tháng 7, nắng nóng gay gắt sẽ hạn chế nhu cầu tiêu thịt thịt lợn nhưng năm nay thời tiết khá dễ chịu nên nhu cầu cũng tăng cao đột biến. Do đó đã dẫn đến giá cả tăng cao đến khó lường.

 

Trước những nguyên nhân được xác định ban đầu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, tăng giá thực phẩm hiện đang là vấn đề "nước sôi lửa bỏng" của ngành nông nghiệp. Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu ngành chăn nuôi tập trung chỉ đạo tăng nguồn cung, dùng những biện pháp kiên quyết nhất để xử lý các dịch bệnh. Trong đó, đặc biệt chú ý giám sát, bảo đảm chất lượng và số lượng nguồn cung con giống và thức ăn chăn nuôi. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Việc tăng giá đột biến do cầu tăng nhưng cung giảm. Do đó, ngoài việc điều tiết thị trường, về trung và dài hạn cần khuyến khích chăn nuôi, hỗ trợ vốn, con giống để tăng cung, đặc biệt ưu tiên phát triển mạnh đàn gia cầm, vòng đời của con gà chỉ có 45 ngày, nếu tăng mạnh nguồn cung, sẽ giảm được giá thịt, kéo theo giá thịt lợn giảm". Bên cạnh đó cần điều chỉnh kế hoạch gieo trồng sớm các loại rau quả, cây rau ăn lá chỉ khoảng 15 ngày là cho thu hoạch. Nếu cần thiết, phải bổ sung thêm nguồn hạt giống cho nông dân.

 

Cùng với đó, Bộ trưởng cũng lưu ý, trước mắt nhằm điều hòa thị trường trong nước, như đẩy mạnh vận chuyển thịt lợn từ các địa phương trong miền Nam như Quảng Ngãi, Quảng Nam…. ra các tỉnh thành phía Bắc.

Với những giải pháp nêu trên, hy vọng sẽ kiềm chế được tốc độ tăng giá hiện nay.

 

 

Theo Phạm Hằng

  Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm