Khó khăn đang chồng chất lên doanh nghiệp (DN) và nếu không có những giải pháp tháo gỡ kịp thời, DN sẽ không trụ được.
Tại Hội thảo về giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô và hướng đi cho DN trong tình hình suy giảm kinh tế do Ủy ban T.Ư hội doanh nhân trẻ VN tổ chức hôm qua 15.7, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch hội, nhận định DN đang rất vất vả tìm vốn để duy trì sản xuất, ổn định công ăn việc làm cho người lao động. Các DN hội viên không đặt nặng chỉ tiêu lợi nhuận trong năm nay, thay vào đó là ổn định lao động. Đó là mục tiêu không phải dễ đạt được khi các DN đang phải giảm sản lượng do gặp rất nhiều khó khăn về vốn, lãi suất vay quá cao. Ngoài ra, chi phí đầu vào tăng cùng với chi phí lương tăng cũng tạo sức ép lớn lên DN.
Cần sự hỗ trợ của Nhà nước
Ông Trần Xuân Mai (Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Nam Định) kể công ty ông tổ chức sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở nhiều địa phương trong nước, sử dụng chủ yếu là người lao động ở nông thôn. Nhưng mấy tháng rồi, công ty ông không vay được vốn ngân hàng. Dù Nhà nước có chính sách ưu tiên cho DN xuất khẩu như công ty của ông được vay vốn nhưng “các ngân hàng than không có vốn để chúng tôi vay. Chúng tôi luôn mong muốn là miễn có tiền thì lãi suất bao nhiêu cũng vay được, để có phục vụ sản xuất. Không tìm được vốn vay thì mất đơn hàng, dẫn tới người lao động sẽ mất việc làm”, ông Mai lo lắng nói.
Theo ông Võ Quốc Thắng, những kiến nghị của DN sẽ được tập hợp và trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, để Chính phủ có giải pháp thích hợp hỗ trợ DN kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn đồng cảm với nỗi lo của DN và ông mong muốn các DN gắn kết nhau chia sẻ những khó khăn trong thời điểm này. Theo ông Võ Quốc Thắng, nếu những khó khăn hiện hữu của DN không được giải quyết, thì các DN nước ngoài vốn có lợi thế về lãi suất thấp, về tiềm năng… sẽ tấn công mạnh hơn vào thị trường trong nước. “Trong bối cảnh chịu nhiều sức ép hiện nay, DN Việt Nam buộc phải bán cổ phần mà họ đã từng tích lũy hàng chục năm qua cho DN nước ngoài để tồn tại”, ông Thắng nói và theo ông, đó là nguy cơ tiềm ẩn.
Mặc dù doanh thu tăng trưởng 60% và ước tính sẽ đạt 8.000 tỉ đồng trong năm nay, nhưng ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty tôn Hoa Sen, thừa nhận lợi nhuận sẽ giảm nhiều. Ông Vũ không nói con số cụ thể của sự sụt giảm này, tuy nhiên theo ông, nguyên nhân do “biến động tỷ giá hồi đầu năm và lãi suất cao. Do vậy, làm sao phải hạ lãi suất và ổn định tỷ giá là mong muốn của DN. Bản thân DN của tôi cũng phải dừng một số dự án mở rộng”. Các DN cũng đề xuất Nhà nước có thể hỗ trợ DN bằng cách cho giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng qua năm sau. Đại diện nhiều DN tại hội thảo đề xuất nên xem xét lại việc hạn chế tín dụng phi sản xuất bởi thực tế hiện nay đang có những ảnh hưởng dây chuyền từ chính sách này.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk đề xuất: “Theo tôi, Chính phủ nên kích thích sản xuất vào lúc này để chống lạm phát. Do vậy cần mở van tín dụng cho DN sản xuất hàng tiêu dùng. Như thế có thể giải quyết được việc vừa chống lạm phát vừa thúc đẩy DN phát triển”.
Theo N.Trần Tâm/Thanh Niên Online