Cập nhật: 21/07/2011 16:21:21 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tính từ đầu tháng 7 đến nay, mới hơn nửa tháng, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 100 USD/ounce (tương đương 2,4 triệu đồng/lượng). Như thường thấy, giá vàng trong nước mấy ngày nay cũng tăng mạnh, phản ứng cùng chiều với giá thế giới, tuy mức tăng thấp hơn do sức mua kém.

Lợi dụng xu hướng trên, lại thêm chính sách thuế ưu đãi với xuất khẩu vàng trang sức, nhiều doanh nghiệp đã lách luật xuất khẩu kim loại quý này dưới dạng trang sức.

 

Lượng vàng lớn "chảy" ra nước ngoài

 

Theo số liệu từ Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan, chỉ trong khoảng thời gian từ 16/5 đến 8/6, khối lượng vàng trang sức mỹ nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã là 12.522 kg, tương đương trên 520 triệu USD.

 

Đặc biệt, có một số doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu vàng khối lượng rất lớn như công ty TNHH Kim Ngọc Phú (xuất hơn 2.800 kg); doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng Kim Hiền (xuất hơn 1.300 kg); công ty dịch vụ kinh doanh vàng xuất nhập khẩu Kim Việt (hơn 700 kg)...

 

Điều đáng nói là trong những năm gần đây, các doanh nghiệp này không hề được Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

 

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 vừa qua đạt 7,8 tỷ USD, là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục từ trước tới nay. Đồng thời, mức nhập siêu cũng chỉ khoảng 400 triệu USD, thấp nhất kể từ tháng 9/2010 trở lại đây.

 

Lẽ ra đây đã được coi là diễn biến tích cực đối với nỗ lực ổn định vĩ mô, kiềm chế nhập siêu, nếu như không có con số kim ngạch tái xuất khẩu vàng trong tháng 6 đó lên tới khoảng 630 triệu USD, quy đổi tương đương trên 10 tấn vàng!

 

Như vậy, gần như toàn bộ phần kim ngạch xuất khẩu tăng thêm trong tháng này trong so sánh với tháng trước có được do hoạt động tái xuất vàng.

 

Quyết tâm ngăn chặn

 

Theo quy định, đối với các sản phẩm vàng có hàm lượng 99%, trọng lượng sản phẩm trên 1 ounce sẽ áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu 10%.

 

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu vàng đã "né" quy định này bằng cách chế tác sản phẩm vàng trang sức có hàm lượng từ 98,5% trở xuống, trọng lượng mỗi sản phẩm không quá 1 ounce (8,3 chỉ) bất chấp chi phí tăng cao so với các sản phẩm vàng trang sức xuất khẩu trước đây, để được hưởng mức thuế suất 0%.

 

Một số doanh nghiệp cho biết, với mức chênh lệch thấp hơn khoảng 30.000 đồng/lượng của vàng trong nước so với vàng thế giới, việc xuất khẩu vàng sẽ bảo đảm lợi nhuận tuyệt đối.

 

Trước tình trạng này, vừa qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã họp bàn và nhất trí cần áp dụng một số biện pháp ngăn chặn việc biến tướng xuất khẩu vàng nguyên liệu dưới hình thức xuất vàng trang sức.

 

Trên cơ sở đó, tại Công văn 539, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức đề nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh giảm hàm lượng của các loại vàng thành phẩm chịu mức thuế suất thuế xuất khẩu 10% của các loại trên 99% xuống còn 80%.

 

Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Tài chính tăng cường nghiệp vụ hải quan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ như giám định chất lượng của vàng trang sức với các doanh nghiệp có lô hàng xuất khẩu lớn, không thường xuyên; kiểm tra hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ liên quan đến nguồn hàng; quy định cửa khẩu xuất khẩu...

 

Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, nếu đề xuất này được chấp nhận, giá vàng thế giới tiếp tục tăng thì các doanh nghiệp sẽ lại chế tác vàng trang sức hàm lượng dưới 80% để xuất khẩu “miễn thuế”. Khi đó, doanh nghiệp nhỏ phải thuê doanh nghiệp lớn chế tác sản phẩm với số lượng nhiều hơn. Lợi ích lớn nhất thuộc về doanh nghiệp lớn trong khi Nhà nước vẫn không thu được thuế từ việc xuất khẩu vàng.

 

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji, cũng thừa nhận, với nhịp độ giá vàng thế giới vẫn tăng như hiện nay, số lượng vàng xuất khẩu dưới dạng trang sức mỹ nghệ sẽ còn tăng.

 

Một số chuyên gia cũng cho rằng, việc các doanh nghiệp ồ ạt xuất khẩu vàng trong tháng 6 gây ra e ngại rằng có thể diễn ra tình trạng thiếu vàng trong những tháng cuối năm nếu nhu cầu mua vàng tăng cao và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cấm nhập vàng. Như vậy, vàng nhập lậu sẽ có cơ hội tràn vào Việt Nam và bài toán quanh chuyện vàng với tỷ giá sẽ quay trở lại.

 

Trong khi đó, một quan chức của Ngân hàng Nhà nước lại lạc quan nhận định, với chính sách nhất quán và điều hành theo thế ổn định dần của các bộ, ngành thì "chẳng có ai dại gì mà xông vào vàng," tất nhiên, một số người vẫn bị yếu tố tâm lý tác động nhưng sẽ không thành trào lưu./.

 

 

Theo Minh Thúy/TTXVN/Vietnam+)

Tệp đính kèm