Giá nhiều loại mặt hàng tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, nhất là người thu nhập thấp.
Để kiềm chế lạm phát, nhiều ĐBQH cho rằng, ngoài việc các doanh nghiệp tự cơ cấu lại ngành nghề, danh mục đầu tư, thì cơ quan quản lý cần xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, liên thông với nhau, để dòng tiền có thể đi trực tiếp vào sản xuất. Như vậy, sẽ không làm tăng nguồn cung tiền, mà vẫn bảo đảm tăng trưởng kinh tế.
Nhiều ĐBQH cho rằng, hiệu quả của việc điều hành chính sách tiền tệ phải giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Muốn vậy, công tác điều hành chính sách tiền tệ cần bảo đảm linh hoạt, phù hợp. ĐBQH Nguyễn Văn Giàu (Long An) cho rằng, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội được Nghị quyết số 11 của Chính phủ đưa ra thì tất yếu phải tăng lãi suất, giúp thu hút tiền về, hạn chế cầu tín dụng. Nhưng khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm cũng cần có những tác động để giảm dần lãi suất cho vay. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Đặng Thành Tâm (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, để kiềm chế lạm phát hiệu quả cần xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, liên thông với nhau để dòng tiền có thể đi trực tiếp vào sản xuất, góp phần tăng GDP.
Muốn đạt được các mục tiêu kiềm chế lạm phát hiệu quả, theo nhiều ĐBQH, chúng ta phải phân định thành phần, lĩnh vực nào đầu tư có hiệu quả thì vẫn tiếp tục có cơ chế để định hướng luồng vốn, bên cạnh việc cắt giảm những khu vực đầu tư kém hiệu quả. Sau 6 tháng đầu năm, thị trường tiền tệ tương đối ổn định. Tuy vậy, giá một số mặt hàng thiết yếu có nhiều biến động khiến công tác dự báo cũng gặp khó. Vì thế, nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tập trung điều hành kiên trì, quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh, cả trong và ngoài nước. Theo ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), bên cạnh việc giải quyết những vấn đề cấp bách của nền kinh tế, cần những biện pháp ngắn hạn, có tính chất tình thế để có thể giải quyết được vấn đề kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Biến động giá trong nước và trên thế giới trong 6 tháng đầu năm có diễn biến phức tạp. Vì thế, nhiều đại biểu đề nghị cần kiên trì, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và thực hiện các giải pháp kiềm chế, giảm dần lạm phát để CPI năm 2011 tăng ở mức 15 - 17%. Đồng thời, kiểm soát nhập siêu cả năm không quá 15 - 16% kim ngạch xuất khẩu. Mặt khác, từng bước lành mạnh hóa tài chính quốc gia, tạo nền tảng cần thiết cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc điều hành không chỉ đồng bộ, thống nhất mà còn cần sự cộng lực mạnh mẽ từ phía các địa phương.
Từ đầu năm đến nay, giá nhiều loại mặt hàng tăng cao, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, nhất là người dân lao động thu nhập thấp. Muốn nâng cao đời sống cho người lao động, duy trì sản xuất, việc làm thì ngoài việc các doanh nghiệp tự cơ cấu lại ngành nghề, danh mục đầu tư, các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực cùng các ban ngành của địa phương thực hiện quyết liệt 6 nhóm giải pháp của Chính phủ. Ngoài ra, nhiều ĐBQH đã nhấn mạnh, cần bàn thảo kỹ lưỡng về hoạt động của các ngân hàng, từ đó có giải pháp để tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, sức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chính là cơ sở cho việc phát triển bền vững, tạo việc làm và nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa trong nước, giảm nhập siêu, kiềm chế lạm phát.
Theo Hà Nho/Báo điện tử ĐBND