Cập nhật: 03/08/2011 16:12:26 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lãi suất cho vay cao là một giải pháp để giảm nguồn cung tiền ra xã hội, từ đó giúp kiềm chế lạm phát. Nhưng yếu tố này đang ảnh hưởng đến đại đa số doanh nghiệp. Đã có băn khoăn là có thể chống lạm phát mà vẫn hạ lãi suất được không? Các chuyên gia cho rằng có thể giảm lãi suất nếu áp dụng các biện pháp mang tính kỹ thuật trong quản lý tiền tệ.

Lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm chậm trong hai tháng qua. Trong khi đó, theo công bố của nhiều ngân hàng thì lượng tiền gửi tiết kiệm tăng nhanh trong thời gian qua. Nhưng lượng tiền gửi của người dân không giúp tăng tổng phương tiện thanh toán. Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán hiện nay ước 2,5 triệu tỷ đồng. Trong đó tiền gửi ngân hàng khoảng 2,1 triệu tỷ đồng và 400.000 tỷ đồng trong lưu thông. Trong 5 tháng đầu năm, số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế tại ngân hàng giảm 156.000 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã không gửi tiền vào ngân hàng như thông thường. Tình trạng này gây thiếu hụt trong thanh khoản ngân hàng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã không đưa tiền ra bù đắp sự thiếu hụt này. Theo thống kê, đến giữa tháng 7.2011, Ngân hàng Nhà nước đã rút về khoảng 70.000 tỷ đồng qua thị trường mở. Bên cạnh đó, các ngân hàng nhỏ vẫn giảm lãi suất huy động cầm chừng do e ngại tiền gửi sẽ chuyển sang ngân hàng khác. Do vậy, lãi suất huy động và cho vay đều được điều chỉnh chậm.

 

Trong tình trạng này, giải pháp hạ lãi suất thị trường mở từ 15% xuống 14%/năm nhằm kích thích dư nợ của ngân hàng đã không khắc phục được tình trạng lãi suất cho vay cao. Có thể thấy, tiền gửi tiết kiệm nhiều, nhưng ngân hàng chưa giảm lãi suất huy động căn bản là do vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn, trong khi, cho vay là trung, dài hạn. Điều này khiến vốn khả dụng của ngân hàng, nhất là ngân hàng nhỏ khó khăn. Nhiều chuyên gia kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần tái cấp vốn cho các ngân hàng nhỏ trên cơ sở thế chấp vốn điều lệ. Cụ thể là một ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, có thể vay tái cấp vốn 2.000 tỷ đồng khi thế chấp 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Nếu đến hạn, ngân hàng này không trả được, Ngân hàng Nhà nước sẽ trở thành chủ sở hữu số cổ phần trị giá 2.000 tỷ đồng. Phương cách này buộc các ngân hàng phải sử dụng hiệu quả số tiền tái cấp vốn và lo trả đủ gốc lẫn lãi, nhằm để cân bằng tổng phương tiện thanh toán một cách hợp lý.

 

Bước tiếp theo của tái cấp vốn là tăng dự trữ bắt buộc tiền đồng và tăng lãi suất dự trữ bắt buộc lên 12-13%/năm. Đây là chìa khóa để giảm lãi suất. Nguyên nhân do mức lãi suất này bằng lãi suất trái phiếu hiện tại, nên sẽ trung hòa và không làm tăng chi phí huy động vốn của tổ chức tín dụng. Ngân hàng cũng không thể tăng lãi suất cho vay khi mức dự trữ được yêu cầu tăng. Bởi khoản tiền này sẽ sinh lời cho ngân hàng. Như vậy, biện pháp này sẽ giúp thu hẹp cung tiền ra ngoài xã hôi. Trong khi đó, với lượng tiền hiện có lớn, ngân hàng có thể chủ động cho vay mà không cần tăng lãi suất, do không phụ thuộc vào lãi suất huy động từ người dân. Với cách làm này, Ngân hàng Nhà nước có thể lấy tiền của ngân hàng thừa cho ngân hàng thiếu vay. Sự lồi lõm của nguồn vốn được san bằng. Mặt khác, khi ngân hàng nhỏ không chạy đua lãi suất huy động vì đã vay được của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất đầu vào sẽ giảm, kéo lãi suất đầu ra giảm theo. Quá trình giảm lãi suất lúc này sẽ mang tính căn bản, do không cần đưa thêm tiền ra. 

 

Tái cấp vốn trên cơ sở thế chấp vốn điều lệ và tăng dự trữ bắt buộc là  giải pháp trong tầm tay của cơ quan quản lý. Hơn nữa, trong thời gian qua, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và do lãi suất vay quá cao. Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động. Khi sản xuất, kinh doanh đình trệ kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ tăng nợ xấu trong ngân hàng. Vì vậy, cần nghiên cứu áp dụng các biện pháp đã được kiến nghị để vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa giảm tác động xấu đến hệ thống ngân hàng.

 

 

 

Theo Hải Thanh/Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm