Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 01/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong 8 tháng đầu năm 2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống.
Theo báo cáo của NHNN Việt Nam tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2011 của ngành ngân hàng: Trong 8 tháng qua, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã theo sát chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và diễn biến thị trường tiền tệ; tổng phương tiện thanh toán và tín dụng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước nhưng phù hợp với mục tiêu kiểm soát kiềm chế lạm phát. Tổng phương tiện thanh toán đến ngày 30/8 tăng 9,16% so với cuối năm 2010, thấp hơn mức tăng 19,87% và 16,41% của cùng kỳ năm 2009 và 2010. Tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 30/8 tăng 8,85% so với cuối năm 2010, thấp hơn mức tăng 16,9% của cùng kỳ năm 2010 nhưng bằng khoảng 50% tốc độ tăng tín dụng dự kiến cả năm 2011 (khoảng 15-18%).
Cơ cấu tín dụng chuyển hướng tích cực, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, ước đến cuối tháng 8, tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất tăng 14,79%, trong đó tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 30,5%; tín dụng xuất khẩu tăng 35,02%; tín dụng phi sản xuất giảm -16,95%, trong đó, dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm -43,03%, dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản giảm -10,1%, dư nợ cho vay tiêu dùng giảm -23, 12%.
Lãi suất tăng cao trong 4 tháng đầu năm nhưng từ tháng 5, sức ép tăng lãi suất giảm, đến cuối tháng 8/2011, một số tổ chức tín dụng (TCTD) hạ lãi suất đối với một số khoản cho vay sản xuất kinh doanh thông thường trong biên độ 17-19%/năm.
Ngày 26/8/2011, Thống đốc NHNN đã chủ trì cuộc họp với 12 ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam về các giải pháp triển khai hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2011. Tại cuộc họp, các ngân hàng cam kết thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động 14%/năm và đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường xuống 19%/năm từ giữa tháng 9/2011. Hiện nay, lãi suất thị trường nội tệ liên ngân hàng ổn định ở mức thấp hơn các mức lãi suất điều hành của NHNN, qua đêm ở mức 10,5-11%/năm, 1-2 tuần 11-13%/năm.
Đến cuối tháng 8/2011, một số TCTD hạ lãi suất đối với một số khoản cho vay sản xuất kinh doanh thông thường trong biên độ 17-19%/năm. Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối có nhiều diễn biến tích cực: Thị trường ngoại hối và tỷ giá biến động mạnh trong hơn 3 tháng đầu năm nhưng đã ổn định trở lại, những ngày đầu tháng 8, biến động tăng nhưng chủ yếu do tác động của giá vàng thế giới. Sau khi NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng, giảm biên độ giao dịch cùng với các biện pháp quản lý thị trường tự do, thị trường ngoại hối phản ứng tích cực, tỷ giá được kiểm soát trong biên độ cho phép. Chênh lệch tỷ giá thị trường chính thức và thị trường tự do thu hẹp, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng cải thiện, các NHTM cân đối được nguồn cung ngoại tệ từ tổ chức kinh tế và dân cư, thực hiện bán ngoại tệ cho NHNN tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Từ đầu tháng 8 do giá vàng thế giới tăng đột biến đẩy hoạt động mua bán, đầu cơ vàng trong nước lên cao, ảnh hưởng đến ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, nhờ những biện pháp can thiệp kịp thời và kiên quyết của NHNN, đến nay, tỷ giá đã ổn định trở lại.
Tại Nghị quyết số 87/NQ-CP phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2011, Chính phủ chỉ đạo NHNN Việt Nam tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP, đặc biệt chú ý bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống tín dụng, ngân hàng. Tiếp tục sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ để giảm sức ép lạm phát, giảm lãi suất dần theo diễn biến của mức giảm lạm phát.
Trong những tháng cuối năm 2011, để góp phần đạt được các mục tiêu của Chính phủ, NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt để kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với lượng tiền cung ứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo tăng trưởng tín dụng dưới 20% (khoảng 15-18%), tổng phương tiện thanh toán tăng 15-16%, tỷ giá ổn định, lãi suất cho vay giảm dần theo mức giảm của lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống.
Theo Mạnh Hùng/Báo điện tử ĐCSVN