Cập nhật: 25/10/2011 16:13:09 Article Rating
Xem cỡ chữ

Để giảm lạm phát xuống mức thấp, chúng ta phải thực hiện những giải pháp siết chặt nhập siêu, quản lý nợ công, giảm bội chi ngân sách… 

 

Trong 3 tháng gần đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã có chiều hướng giảm dần. Đây là yếu tố rất quan trọng để thực hiện việc giảm lạm phát xuống mức thấp nhằm ổn định nền kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, việc giảm CPI những tháng cuối năm vẫn đang là thách thức lớn nếu như không thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp mang tính vĩ mô.

 

Phóng viên VOV Online phỏng vấn ông Cao Sỹ Kiêm, đại biểu Quốc hội khoá XIII, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 

PV: Ông đánh giá như thế nào về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong những tháng gần đây và liệu chúng ta có đạt kế hoạch kiềm chế lạm phát năm 2011 ở mức 18%?

 

Ông Cao Sỹ Kiêm: Do chúng ta thực hiện tốt Nghị quyết 11 của Chính phủ nên có thể nói chỉ số CPI đang có những dấu hiệu tốt. Nếu duy trì được tốc độ giảm như hiện nay, trong tương lai, chúng ta hoàn toàn có thể đạt CPI xuống còn một con số.

 

Tuy nhiên, chỉ số CPI cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn. Thông thường, cuối năm là thời điểm chúng ta phải tung ra một lượng tiền lớn để xuất, nhập khẩu hàng hoá và dự trữ cho năm tiếp theo nên không tránh khỏi việc giá cả leo thang. Ngoài ra, khả năng giữ được tỷ giá, lãi suất ngân hàng là mong manh.

 

Trên thế giới, nhiều nơi đang xảy ra khủng hoảng lương thực và nước ta nằm trong vùng gặp nhiều thiên tai, bão lụt nên khả năng thiếu lương thực, thực phẩm là điều có thể xảy ra. Vấn đề này cũng khiến cho giá cả leo thang nên việc giảm CPI trong những tháng cuối năm là một thách thức lớn.

 

Nếu chúng ta thực hiện những giải pháp đồng bộ và kiên quyết trong lĩnh vực tiền tệ, tài chính tài khoá, nhập siêu, thương mại, đầu tư một cách hiệu quả, nhịp nhàng thì sẽ đạt được mục tiêu giảm chỉ số CPI trong năm 2011 là 18% và nếu chúng ta giữ được chỉ số CPI trong vòng 1 tháng xuống dưới 1% thì trong vòng 12 tháng tới, chúng ta sẽ thực hiện tốt giảm CPI xuống khoảng 9-10%/năm.

 

PV: Theo ông, những giải pháp mà Chính phủ đang thực hiện đã triệt để giảm được lạm phát xuống mức mong đợi chưa? Nếu chưa thì chúng ta cần phải làm gì?

 

Ông Cao Sỹ Kiêm: Chính sách tiền tệ, tài khoá, hiệu quả đầu tư và nhập siêu là những yếu tố tác động tới chỉ số lạm phát. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã có những phương thuốc hữu hiệu như giảm lãi suất ngân hàng, giữ được mức độ tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối. Đây là những yếu tố góp kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, những giải pháp này vẫn chỉ mang tính đột phá, còn về lâu dài, chúng ta vẫn phải thực hiện những giải pháp siết chặt nhập siêu, nâng chỉ số ICO, quản lý nợ công, giảm bội chi ngân sách.

 

PV: Quản lý nợ công hiệu quả có vai trò ảnh hưởng tới giảm lạm phát. Vậy ông đánh giá như thế nào về tình hình nợ công của Việt Nam hiện nay cũng như cho ý kiến về quản lý nợ công một cách hiệu quả?

 

Ông Cao Sỹ Kiêm: Nợ công của Việt Nam hiện giao động từ 50-60% GDP. Nếu so với thông lệ quốc tế thì chưa phải là con số đáng báo động. Tuy nhiên, so với tình hình trả nợ của Việt Nam trong tương lai thì đây là con số cần chú ý vì lạm phát vẫn còn cao, dự trữ tiền tệ còn mỏng và hiệu quả sử dụng vốn của chúng ta còn thấp.

 

Nếu chúng ta không chống được lạm phát, không ráo riết kiểm soát chặt chẽ sử dụng các nguồn vốn đi vay thì sẽ khó trong việc trả nợ tiếp theo. Vấn đề cần lưu tâm hiện nay là chúng ta phải chống được lạm phát và sử dụng nguồn vốn vay một cách hiệu quả.

 

Các giải pháp của Chính phủ đưa ra như ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian vừa qua đã có tác dụng kiểm soát các khoản nợ công. Tuy nhiên, theo tôi, để kiểm soát các khoản nợ công, chúng ta cần phân bổ lại nguồn vốn đến từng ngành, nghề, lĩnh vực; giải quyết những vấn đề rủi ro trong phân bổ nguồn vốn. Song song với đó là chúng ta đưa ra những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

PV: Xin cảm ơn ông!./.

 

Theo Bích Lan/vovnews.vn

Tệp đính kèm