Cập nhật: 08/11/2011 14:31:34 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tại buổi giao ban trực tuyến sản xuất kinh doanh ngày 7/11, Bộ Công Thương cho biết đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho các tháng cuối năm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012.

Bộ sẽ tăng cường phối hợp, nắm bắt thông tin từ các địa phương, hiệp hội ngành hàng để chủ động xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu.

 

Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tăng cường kiểm soát việc tăng giá hàng hóa, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá nhằm bình ổn thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.

 

Theo bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op Mart, với nhiệm vụ được giao bình ổn chín nhóm hàng thiết yếu trong dịp Tết tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay 52 siêu thị và 27 cửa hàng chuyên doanh thực phẩm trong hệ thống Co.op Mart đã hoàn tất việc chuẩn bị nguồn hàng, hệ thống giao nhận kho vận để chuẩn bị phân phối 24.000 tấn hàng hóa với vốn dự kiến sử dụng cho dự trữ hàng hóa lên tới 2.800 tỷ đồng.

 

Hiện hàng hóa thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn đã trữ xong tại tổng kho. Với các mặt hàng như thực phẩm chế biến, gia súc gia cầm, rau củ quả, trái cây, Saigon Co.op Mart đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai - là nơi có vùng nguyên liệu, sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP và các tiêu chuẩn an toàn khác để ký hợp đồng với các nhà cung cấp.

 

Bà Thu cũng cho biết trong tuần này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có đoàn làm việc tại năm huyện ngoại thành để phát triển thêm mạng lưới bán hàng bình ổn giá tại các huyện, sẽ có 100 điểm bán phủ hết các huyện ngoại thành.

 

Từ nay đến cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá sẽ tổ chức từ 100-200 chuyến bán hàng lưu động đến vùng sâu vùng xa, đặc biệt là nơi không có thị tứ, thị trấn, không có nhiều điểm bán nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu.

 

Đặc biệt, để đảm bảo bình ổn thị trường, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra hoạt động thương nhân nước ngoài trực tiếp mua gom các hàng hóa được sản xuất trong nước như thóc, gạo, đường, thực phẩm, hoa quả…; đồng thời đẩy mạnh kiểm soát chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, nhất là khu vực biên giới Tây Nam và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

 

Tại một số tỉnh phía Nam do ảnh hưởng lũ lụt, các Chi cục Quản lý thị trường đã khẩn trương nhắc nhở, đôn đốc một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp tục cung ứng xăng dầu bình thường sau một số thời điểm nước lũ ngập sâu./.

 

 

 

Theo Nguyễn Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tệp đính kèm